Hà Tĩnh: Thi công cầu mới, ứng phó sạt lở đất tại huyện Hương Sơn

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Eo Cô Gái gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng xảy ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của mọi người. Hiện nay, công trình cầu mới được gấp thi công, góp phần ứng phó hiệu quả với sạt lở.

Cầu Eo Cô Gái tại Km82+300 trên tuyến Quốc lộ 8 được đẩy nhanh tiến độ thi công
Cầu Eo Cô Gái tại Km82+300 trên tuyến Quốc lộ 8 được đẩy nhanh tiến độ thi công

Mùa mưa lũ, trên tuyến Quốc lộ 8 khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo từng xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Trong đó, riêng đoạn qua Eo Cô Gái (Km82+300) là vị trí xung yếu nhất. Nơi đây liên tục xảy ra sạt lở, có thời điểm hàng nghìn m3 đất đá, cây cối từ trên núi cao trút xuống chắn ngang đường, gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Các lực lượng chức năng tập trung khắc phục, giải tỏa sạt lở đất tại Eo Cô Gái trong mùa mưa lũ. 
Các lực lượng chức năng tập trung khắc phục, giải tỏa sạt lở đất tại Eo Cô Gái trong mùa mưa lũ. 

Để ứng phó với sạt lở, hiện nay công trình cầu Eo Cô Gái (thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8) đang được liên danh Công ty cổ phần 484 và Công ty cổ phần Thăng Long đẩy nhanh tiến độ thi công. Cầu có tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng, được thiết kế dài 150m, rộng 8m, xây dựng cách vị trí thường xuyên sạt lở khoảng 40m.

Cầu Eo Cô Gái cách vị trí sạt lở xung yếu khoảng 40m.
Cầu Eo Cô Gái cách vị trí sạt lở xung yếu khoảng 40m.
Eo Cô Gái nằm giữa vách núi cheo leo và vực sâu thăm thẳm, là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa lũ.
Eo Cô Gái nằm giữa vách núi cheo leo và vực sâu thăm thẳm, là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa lũ.

Trao đổi với phóng viên, ông Kiều Vĩnh Phương - Giám đốc Ban điều hành Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 8 (Ban Quản lý dự án 4 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, vào mùa mưa lũ, khu vực Eo Cô Gái thường xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Vì vậy, công tác khảo sát, thiết kế xây dựng cầu được tính toán rất kỹ lưỡng, khoa học, phương án nắn tuyến tránh xa khu vực sạt lở xung yếu được cho là tối ưu và đảm bảo an toàn nhất.

“Sau hơn 5 tháng thi công, đến nay các nhà thầu đã cơ bản xây dựng xong 11 trụ cầu, đang tiến hành đổ bê tông sàn 2 đầu cầu, chuẩn bị thi công nhịp. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 3 tháng sau cầu Eo Cô Gái sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên tuyến đường độc đạo lên Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo”, ông Kiều Vĩnh Phương thông tin.