Hà Tĩnh: Tổng thu ngân sách năm 2019 ước đạt 13.250 tỷ đồng

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/12, báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông Trần Tiến Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2019, đạt 13.250 tỷ đồng.

3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2019 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 27.388 tỷ đồng (đạt 72% kế hoạch). Thu ngân sách năm 2019 của tỉnh nhà đạt 13.250 tỷ đồng (bằng 106,3% so với năm 2018), trong đó thu nội địa ước đạt 6.750 tỷ đồng, đạt 107% dự toán và tương đương với số thu năm 2018; thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.500 tỷ đồng (bằng 94,2% dự toán, tăng 7,6% so với năm 2018. Theo đó, nguồn thu chủ yếu từ nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất dự án Formosa.

Toàn cảnh phiên họp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn khi có 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đó là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 10,99% (kế hoạch đề ra 11,5 -12%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 72% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 77% kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đạt 10,99%, trong đó nông nghiệp giảm 1,58%; công nghiệp - xây dựng tăng 21,94%; dịch vụ tăng 5,16%. Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh. GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng (tương đương 2.699 USD).
Cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp: nông nghiệp chiếm 13,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,7%; dịch vụ chiếm 42%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước đạt 27.388 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng 27%, vốn khu vực tư nhân 52%, vốn FDI 21%. Nguyên nhân dẫn đến nguồn huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh không đạt kế hoạch chủ yếu là do dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 và các dự án trọng điểm khác tiếp tục chậm tiến độ đề ra so với dự kiến...
Tuyển dụng biên chế công chức, viên chức còn chậm
Báo cáo tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang cho biết, đến nay Hà Tĩnh đã giảm 242 biên chế công chức hành chính, đạt tỷ lệ 9,35% và 2.143 biên chế viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt tỷ lệ 7,36% so với tổng kế hoạch tinh giản theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Trong đó, nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 94/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND là 23 công chức và 196 viên chức. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thời gian qua góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như công tác sử dụng và quản lý biên chế tại các cơ quan, đơn vị.
Năm 2019 về cơ bản các cơ quan, đơn vị đã bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hà Tĩnh có 80 xã thực hiện sắp xếp, giảm 46 xã (tổng số xã của tỉnh Hà Tĩnh là 262 xã, sau khi sáp nhập còn 216 xã). Sau khi sáp nhập xã, sẽ giảm số trường học trên toàn tỉnh và tập trung giảm đội ngũ quản lý, hành chính các bậc học.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Nguyễn Phi Quang phát biểu tại phiên họp.
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phi Quang, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thời gian qua đã được sắp xếp, kiện toàn củng cố. Tuy nhiên, việc quy định chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc sau khi kiện toàn còn chậm, như sắp xếp đội ngũ hành chính ở các trường học, sắp xếp mạng lưới các trường nghề; một số đơn vị chưa có phương án xây dựng tự chủ theo quy định.
Sau khi sáp nhập xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư nhiều gây khó khăn trong việc bố trí biên chế.
Biên chế hành chính giao nhưng tỉnh chưa tuyển dụng, tiếp nhận kịp thời nên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ tại một số đơn vị (còn 198 biên chế công chức).
Biên chế sự nghiệp giao nhưng các đơn vị, địa phương chưa thực hiện tuyển dụng nên còn 1.045 biên chế viên chức chưa tuyển dụng so với kế hoạch giao năm 2019 (không tính biên chế dự phòng và biên chế dôi dư giáo dục phổ thông các cấp).
Về nguyên nhân của những tồn tại trên, theo Giám đốc Sở Nội vụ là do hiện nay, một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương còn có văn bản chưa đồng thuận với nội dung sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ tương đồng để thực hiện đề án tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa có quyết tâm cao, còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm trong việc thực hiện sắp xếp đội ngũ, tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp...
Dự kiến, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra từ ngày 13 - 15/12. Tại kỳ họp sẽ thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề liên quan đến giáo dục, đất đai, thuế, tài nguyên - môi trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần