Hai bộ “đội sổ” giải ngân vốn nước ngoài

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thông tin từ Bộ Tài chính, hai bộ gồm: Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài đạt rất thấp, lần lượt ở mức 4,19% và 5,26%.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vẫn chậm

Thông tin tại Hội nghị với các bộ, ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023 tổ chức 28/6, Bộ Tài chính cho biết, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, ngành là hơn 11.850 tỷ đồng. Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài đạt 27,4% (tương đương 3.251 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỷ đồng).

Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong hai Bộ có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp
Bộ Giáo dục và Đào tạo là một trong hai Bộ có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp

Về tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 bộ, ngành là Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có giải ngân. Tuy nhiên, số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 Bộ là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (47,42%), Bộ GTVT (30,97%). Bộ NN&PTNT (30,56%).

Hai bộ còn lại có số giải ngân rất ít là Bộ TN&MT (4,19%) và GD&ĐT(5,26%).

Về kế hoạch vốn 2022 kéo dài, kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022 của các bộ, ngành được kéo dài sang năm 2023 là 1.042,589 tỷ đồng. Hiện các bộ, ngành đã bắt đầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2022 kéo dài.

Về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng có 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, dự án đã được bố trí vốn, đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư nên ảnh hưởng đến việc giải ngân như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; Chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; Mới hoàn thành việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại và ký kết Hiệp định vay phụ, Hợp đồng ủy quyền cho vay lại; Vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và Chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng.

Thứ hai, Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai.

Thứ ba, vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ  hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan, hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án ô. Các bên đã tổ chức trao đổi, tọa đàm nhưng vẫn cần tiếp tục xử lý. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.

Thứ tư, trong những tháng đầu năm, các bộ, ngành địa phương vẫn tập trung báo cáo chi tiêu, hoàn chứng từ đối với các khoản giải ngân từ kế hoạch vốn 2022. Số giải ngân kế hoạch vốn 2022 đạt 1.655 tỷ đồng, gần 50% số giải ngân theo kế hoạch vốn 2023 cùng thời kỳ.

Tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.

Đối với các cơ quan chủ quản, rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân. Trong đó, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.

Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay.

Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình giải ngân vốn ODA, gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính theo đúng quy định.

Đối với các bộ là cơ quan chủ quản các dự án đặc biệt là Bộ NN&PTNT, cần xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời cần sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và sớm có biện pháp giảm thiểu rủi ro này khi phải điều chỉnh giảm các hạng mục chính và cắt giảm vốn vay nước ngoài của dự án. 

Đối với các chủ dự án, tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân; điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn vay, viện trợ, đối ứng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.