Hai dự án đường sắt đô thị của Hà Nội: Chậm giải ngân do đâu?

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư cho hai dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

 Ông Lê Trung Hiếu
Xin ông cho biết tiến độ giải ngân vốn vay ODA của hai dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo?
- Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội được UBND TP giao làm chủ đầu tư thực hiện 2 dự án: Tuyến ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và Dự án tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, Dự án Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư khoảng 32.910 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của ODA. Dự án đã giải ngân lũy kế đến hết năm 2019 được 11.728,5 tỷ đồng. Năm 2020, tổng số vốn ODA được giao là 3.450,6 tỷ đồng; hiện tại đã giải ngân được 887,3 tỷ đồng, đạt 25,71% so với kế hoạch.
Còn dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản. Theo Hiệp định ký kết, khoản vay được giải ngân đến cuối tháng 7/2019. Tuy nhiên, do dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh và Hiệp định vay chưa được gia hạn thời gian giải ngân nên chưa giải ngân được vốn ODA năm 2020.
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này?
- Đầu năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai Dự án Nhổn - Ga Hà Nội nói chung và tiến độ giải ngân ODA nói riêng. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến GPMB dẫn đến hầu hết các hợp đồng gói thầu đều phải kéo dài thời gian.
Về gói thầu CP09 - Công nghệ thẻ vé, Bộ Tài chính đã nỗ lực để thúc đẩy sớm hoàn tất việc ký kết Thỏa ước vay bổ sung thêm 20 triệu Euro của Chính phủ Pháp cũng như tiến hành song song các thủ tục như mở quyền rút vốn, ký hợp đồng vay lại. Tuy nhiên, dự kiến phải sang tháng 7/2020 mới có thể hoàn tất thủ tục, như vậy gói thầu này đã chậm so với tiến độ gần 7 tháng.
Đối với Dự án Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, trong quá trình triển khai có phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, UBND TP Hà Nội đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư. Dự án vẫn đang đợi Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT xem xét sớm có ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương dự án, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở triển khai gia hạn hiệp định vay và phê duyệt dự án điều chỉnh.
 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Những vướng mắc như ông vừa nêu có ảnh hưởng thế nào đến các dự án ĐSĐT của Hà Nội?
- Đối với Dự án Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nếu không được phê duyệt điều chỉnh trong năm 2020 sẽ không có cơ sở bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy có thể tiếp tục làm chậm trễ tiến độ thêm một thời gian nữa. Còn Dự án Nhổn – Ga Hà Nội, các nhà thầu đang yêu cầu bổ sung chi phí theo quy định của Hợp đồng đã ký kết. Ban cùng các tư vấn đã tiến hành rà soát và đàm phán rất nhiều lần với nhà thầu về vấn đề này. Song đến nay vẫn chưa thể thanh toán các chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng cho nhà thầu, do chúng ta không có quy định cụ thể của pháp luật hiện hành về vấn đề này.
Ban đã đề nghị nhà thầu chờ sau khi có kết quả kiểm toán dự án của Kiểm toán Nhà nước mới thanh quyết toán. Tuy nhiên, các nhà thầu đang tiếp tục không chấp thuận và yêu cầu thành lập Ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện vấn đề này lên Trọng tài quốc tế đồng thời dừng huy động công trường nếu việc thanh toán không được giải quyết. Việc xử lý tranh chấp hợp đồng thông qua Trọng tài quốc tế có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho dự án. Đồng thời làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Chính phủ cũng như công tác đối ngoại đối với các dự án lớn, trọng điểm sử dụng vốn ODA.
Ngoài ra các dự án ĐSĐT của Hà Nội còn gặp khó khăn gì nữa, thưa ông?
- Một vấn đề mà chúng tôi đang rất lo là việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao do mức thu nhập của người lao động chưa được bảo đảm. Hiện nay, theo quy định, khoản chi thu nhập tăng thêm cho người lao động được thực hiện từ việc tiết kiệm chi thường xuyên. Nhưng đối với Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội, khi xây dựng dự toán chi đã rất sát với thực tế nên việc tiết kiệm chi thường xuyên là không đáng kể, không thể chi được thu nhập tăng thêm cho người lao động, chỉ bảo đảm lương cơ bản. Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung việc sử dụng chi phí quản lý dự án để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân viên. Có như vậy mới bảo đảm được nguồn lực con người cho các dự án lớn như ĐSĐT.
Xin cảm ơn ông!
TP Hà Nội cũng đã đề nghị các bộ xem xét, cho ý kiến hướng dẫn, thống nhất về phương pháp, nguyên tắc lập điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng và dự toán chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng để thanh toán cho các nhà thầu. Mặt khác, nếu Bộ Tài chính chậm hỗ trợ, thúc đẩy các bên liên quan sớm hoàn thành việc ký Thỏa ước vay, mở quyền rút vốn để khởi công gói thầu thẻ vé, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác trước đoạn trên cao vào năm 2021.