Hai ngả khát vọng - triển lãm đáng chú ý của nghệ sỹ trẻ châu Á tại Mỹ

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện thu hút sự chú ý của giới nghệ sỹ tại New York, do có sự kết hợp thú vị của 2 phong cách nghệ thuật đối lập đến từ 2 nghệ sỹ gốc Á tại Mỹ: Shohei Kondo đến từ Nhật Bản và Nguyễn Thùy Anh đến từ Việt Nam.

 Triển lãm Hai ngả khát vọng
Từ 18-28/4/2019, tại trung tâm Chinatown Soup (New York, Mỹ) diễn ra triển lãm của 2 nghệ sỹ Shohei Kondo (Nhật Bản) và Nguyễn Thùy Anh (Việt Nam) với chủ đề “Hai ngả khát vọng”.
Cùng chung khát vọng theo đuổi nghệ thuật, đặc biệt cùng quan tâm đến một chủ đề dễ gây tranh cãi - khát vọng mang tính riêng tư về cơ thể con người - nhưng hai nghệ sỹ Kondo và Thùy Anh lại rất khác biệt, độc đáo trong cách tiếp cận của riêng mình. Đó là lý do khiến cho sự kết hợp các tác phẩm của 2 nghệ sỹ trong triển lãm này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật tại New York.
Nụ cười và nỗi đau, tính hài hước và sự nghiêm túc, hai nghệ sỹ thể hiện hai phong cách khác nhau, đậm chất thơ với nghệ thuật thị giác.
Tranh của Kondo đầy màu sắc, dường như mang ảnh hưởng của trào lưu Pop Art những năm 1960 và phong cách mô phỏng của những năm 1980. Với những nét vẽ tay trau truốt, tỷ mỷ tới mức giống như tranh in ấn bằng máy tính, Kondo khắc họa cơ thể con người trong các tư thế mang tính gợi cảm, riêng tư, hay bị cấm kỵ trong nhiều nền văn hóa. Những tư thế nhạy cảm đó được trừu tượng hóa thành những phác thảo theo kiểu hình họa máy tính, khiến cho nhân vật trở nên phi thực thể. Các tác phẩm thể hiện thái độ của Kondo, như chế giễu, thách thức những điều cấm kỵ bằng cái nhìn hài hước, nhẹ nhàng.
Đối nghịch với Shohei Kondo, các tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Thùy Anh lại gây ấn tượng sâu sắc bởi nỗi đau cơ thể. Trong các tác phẩm của mình, nghệ sỹ trẻ gốc Việt sử dụng vật liệu tạo nên liên tưởng đến nội tạng như silicon màu da thịt đi kèm với với kim loại lạnh lẽo, cứng nhắc. Sự tương phản tạo nên xúc cảm mạnh mẽ, khiến người xem liên tưởng đến các công cụ để cầm, nắm, mặc vào, mang đi… nhưng đồng thời cũng những công cụ đó lại trói buộc hai cơ thể vào không gian khi sử dụng chúng.
Qua các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, Thùy Anh xem xét vai trò của điêu khắc trong đương đại, cũng như mối liên quan của điêu khắc và trình diễn. Cô vẫn tiếp tục dòng suy tư, mạch sáng tạo của mình trong nghệ thuật nhằm phản ánh sự thiếu vắng, khát khao của con người đương đại, khi đối mặt với rào chắn của địa lý và những khoảng cách không thể xóa nhòa.
Được biết, giám tuyển của triển lãm này cũng là một nghệ sỹ trẻ nhưng giàu uy tín người Mỹ - Angie Phrasavath, người đã có bằng thạc sỹ về kinh doanh nghệ thuật của trường Sotheby’Institute of Art (New York).