Thành lập vào năm 1888, TP Hải Phòng có bề dày phát triển hơn một thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, cùng nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến tạo thuở ban đầu của kiến trúc Pháp.
Một số công trình mang vẻ đẹp cuốn hút cùng những giá trị to lớn về lịch sử và văn hóa, tạo nên bản sắc riêng có của thành phố cảng, đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia.
Sở Xây dựng TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị UBND TP xem xét quyết định giữ lại 223 công trình có giá trị nghệ thuật, văn hoá lịch sử vào danh sách bảo tồn. Đặc biệt nhất trong số đó là 12 công trình kiến trúc cấp 1 gồm trụ sở UBND TP Hải Phòng (các toà nhà A, nhà B);
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hải Phòng; trụ sở Ngân hàng Công thương – Chi nhánh Hải Phòng; Nhà bát mái (vườn hoa Nguyễn Du); trụ sở TAND quận Ngô Quyền; Khu nhà A Trường PTTH Ngô Quyền; Đài thiên văn Phù Liễn; Đèn biển Hòn Dấu và Mốc toạ độ quốc gia; Lâu đài Vạn Hoa; Biệt thự Bảo Đại; Đèn biển Long Châu.
Những công trình này đáp ứng được cả 2 tiêu chí tiêu biểu về giá trị nghệ thuật; nét riêng, độc đáo di sản kiến trúc Pháp, mang đậm phong cách châu Âu, được quy hoạch theo quy hoạch phương Tây cũng như về giá trị lịch sử, văn hoá, gắn với quá trình đô thị hoá Hải Phòng đầu thế kỷ 20.
Đơn cử, Bảo tàng Hải Phòng là một trong các bảo tàng thuộc tỉnh, thành phố ra đời sớm nhất ở nước ta. Bảo tàng (ban đầu vốn là trụ sở của Ngân hàng Pháp – Hoa) được xây dựng vào năm 1919 với diện tích khoảng 1ha. Bảo tàng là công trình thiết kế mang phong cách Gothique của Châu Âu đẹp nhất thời bấy giờ.
Năm 1958, Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết về việc xây dựng Bảo tàng. Vào ngày 20/12/1959, Bảo tàng Hải Phòng chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ Nhân dân. Đến nay, bảo tàng trưng bày hơn 3 vạn tài liệu, hiện vật được bảo quản theo chất liệu chính gồm 6 kho, 15 phòng trưng bày.
Tất cả di sản văn hóa, kiến trúc trên là nguồn tài sản quý giá, là một tiềm năng, thế mạnh, cơ sở, nguồn lực để Hải Phòng phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.
Để gìn giữ, bảo tồn những công trình này, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhằm tìm ra hướng đi trong việc gìn giữ, phát huy giá trị về quy hoạch, kiến trúc Pháp trong lòng TP Hải Phòng.
Các công trình có giá trị văn hóa hiện đang là trụ sở của các cơ quan trên địa bàn thành phố được quan tâm cải tạo, sửa chữa trên cơ sở giữ nguyên vẹn kiến trúc đã có.