Hạn chế bạo lực gia đình nhờ hòa giải

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giải quyết các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), hòa giải ở cơ sở là một trong những cách hóa giải những mâu thuẫn, giúp các gia đình tái hợp, những đứa trẻ được yêu thương, những phụ nữ yếu thế có thể thoát khỏi bạo lực.

Nhiều trường hợp bị bạo lực gia đình
Tại quận Thanh Xuân, hòa giải ở cơ sở là một hình thức phòng, chống BLGĐ có hiệu quả. Mỗi năm trên địa bàn quận xảy ra khoảng 2 - 3 vụ BLGĐ, đều được phát hiện kịp thời và giải quyết dứt điểm. Ví dụ trường hợp bị bạo hành do ghen tuông của chị Nguyễn Thị Lộc, chị Lê Thị Thu Bạch (trú tại phường Khương Đình), cả 2 chị đã đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên. Hội Phụ nữ phường Khương Đình đã hỗ trợ các chị, đồng thời tư vấn hòa giải để gia đình hòa thuận trở lại.
Tổ hòa giải do ông Nguyễn Đình Khoái - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa chủ trì.
Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thống Nhất (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) Nguyễn Đình Khoái là một trong những hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Điển hình vụ gia đình vợ chồng anh Đào Văn Thanh và chị Nguyễn Thị Lai, do có mâu thuẫn với nhau kéo dài, căng thẳng dẫn đến làm đơn ly hôn. Sau khi tổ hòa giải do ông Khoái chủ trì hòa giải, phân tích đúng, sai, kết quả anh chị đã thuận tình hòa hợp.
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã hóa giải được những mâu thuẫn, xích mích, hạn chế các vụ BLGĐ ở các khu dân cư. Một số đơn vị đã xây dựng các câu lạc bộ phòng chống BLGĐ như: CLB Gia đình văn minh hạnh phúc ở huyện Thanh Trì; CLB “Gia đình văn minh hạnh phúc”; CLB “2 không, 1 có”, CLB “Phụ nữ với pháp luật” ở huyện Hoài Đức... Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp chưa mạnh dạn yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ, còn che giấu nên gây khó khăn trong việc tham gia hòa giải.
Nắm chắc tâm lý của từng bên
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, để hòa giải thành công các trường hợp có yếu tố BLGĐ, người hòa giải phải có kiến thức về giới và BLGĐ, cần có phẩm chất đạo đức, uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động Nhân dân, hiểu biết pháp luật, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải.
Trong khi hòa giải, hòa giải viên cần nắm chắc đặc điểm, tâm lý của từng bên cũng như tính chất vụ việc để áp dụng “nghệ thuật” hòa giải, tránh vội vàng, nôn nóng hoặc làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân của các bên. Sau khi hòa giải, cần trò chuyện, gần gũi với người bị bạo lực để tìm hiểu cuộc sống của họ vì người gây bạo lực có thể sẽ thực hiện các hình thức bạo lực tinh vi hơn mà quan sát bên ngoài không phát hiện được.
Song song với việc hòa giải, cần có thái độ nghiêm khắc, lên án hành vi gây ra bạo lực của người gây bạo lực là vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ, về an ninh trật tự. Cần áp dụng các chế tài pháp luật khi xử lý hành vi BLGĐ để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc đối với người gây bạo lực theo quy định của pháp luật. Khi hòa giải các vụ BLGĐ đối với phụ nữ, ngoài việc chú ý đảm bảo an toàn cho người phụ nữ, tìm ra nguyên nhân của vụ việc, thì người gây ra bạo lực cũng cần được tôn trọng và lắng nghe, cần được hỗ trợ, giúp đỡ để thay đổi. Chỉ khi họ nhận thức được cái sai của mình thì các hành vi bạo lực mới được chấm dứt triệt để.

Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, có tới 58% số phụ nữ đã kết hôn cho biết, họ từng phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ.