Hạn chế phương tiện cá nhân tại đô thị - Kỳ 1: Linh hoạt hay "thiết quân luật"?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi Trung Quốc đặt lộ trình và khung thời gian cấm xe cụ thể, Singapore lại chọn đánh thuế các tài xế.

Trước thực trạng quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng và gia tăng dân số cơ học gây sức ép lớn đối với giao thông tại các đô thị, chính phủ các nước đã phải lập chiến lược tổng thể để giảm dần các phương tiện cá nhân cùng với đẩy mạnh phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng. Báo Kinh tế & Đô thị Điện tử xin giới thiệu loạt bài về kinh nghiệm hạn chế phương tiện cá nhân của các nước.

Trước Việt Nam, một số nước trên thế giới đã thực hiện lộ trình cấm xe máy thành công ở TP lớn. Để việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, có hiệu quả, chính quyền nhiều TP đã có những lộ trình chặt chẽ và hợp lý nhằm nhằm giảm tình trạng tắc nghẽn và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, một số nước đã đánh thuế, thu phí cao đối với các phương tiện cá nhân như phí ùn tắc, phí đỗ xe...

Kế hoạch dài hơi và áp dụng phương thức mềm dẻo

Chính phủ Indonesia áp dụng cách thí điểm cấm xe máy giúp người dân quen dần với thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Chính quyền thủ đô Jakarta đồng thời phát triển xe bus và cấm xe máy ở các tuyến, các khu vực có hoạt động vận tải công cộng hiệu quả.

Tháng 12/2014 Jakarta bắt đầu thử nghiệm lệnh cấm xe máy tại 2 tuyến đường lớn là Jl. MH Thamrin và Jl. Medan Merdeka Barat. Lệnh cấm xe được áp dụng toàn thời gian và đối với toàn bộ các ngày trong tuần. Đồng thời, chính quyền cũng tăng thêm 20 chiếc xe bus, trong đó có đến 50% là xe bus hai tầng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên hai tuyến đường lớn.

 Đường phố Jarkarta, Indonesia

Từ tháng 2/2015, sau một tháng thử nghiệm, Jakarta đã áp dụng lệnh cấm xe máy. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ áp dụng ở một số khu vực và tuyến đường ở trung tâm TP, những nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Cùng với thực hiện lệnh cấm xe máy, chính quyền TP kéo dài giờ hoạt động của xe bus và bổ sung xe bus để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển.

Trong khi đó, tại Yangon (Myanmar), xe máy gây ra 800 vụ tai nạn/năm. Với quyết tâm thay đổi bộ mặt TP Yangon cũng như giải quyết vấn đề giao thông, chính phủ Myanmar đã bắt đầu áp dụng việc cấm xe máy từ năm 1989. Lệnh cấm được thực hiện trong khu vực trung tâm TP Yangon đối với xe máy.

Đến năm 2003, Myanmar bắt đầu cấm xe máy tại TP Yangon cùng với việc giới hạn sử dụng xe đạp điện trong các khu vực trung tâm nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trong giai đoạn từ năm 2003 - 2007, xe máy bị cấm hoàn toàn trên toàn TP Yangon. Từ năm 2009 đến nay, lãnh đạo TP Yangon đã tiếp tục áp dụng cấm toàn bộ xe máy vì xe máy đã phá vỡ quy tắc giao thông và là nguyên nhân chính gây tai nạn.

Tại Trung Quốc, ngay từ năm 1984, cảnh sát Bắc Kinh đã ngừng cấp đăng ký mới. Năm 2000, Cục cảnh sát giao thông Bắc Kinh tiếp tục cấm xe máy ba bánh, kể cả có đăng ký, lưu thông ở khu vực trung tâm và 8 quận lân cận.

Mặc dù đã cấm xe máy vào các tuyến đường trung tâm từ đầu thập niên 2000, nhưng mãi đến năm 2016, Bắc Kinh mới cân nhắc việc cấm hoàn toàn xe máy. Bắt đầu từ tháng 4/2016, trên 10 tuyến đường chính ở Bắc Kinh, người ta bắt đầu thực hiện cấm hoàn toàn xe máy, kể cả xe máy điện.

Cũng tại nước này, chính quyền TP Quảng Châu áp dụng phương thức cấm xe máy theo khu vực. Theo đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 10/1991, chính quyền cấm tất cả xe máy không đăng ký tại Quảng Châu lưu hành trong nội đô từ 7h sáng đến 7h tối.

Đến giai đoạn 2, từ năm 1999, xe máy không đăng ký tại Quảng Châu bị cấm lưu hành hoàn toàn tại TP này. Trong giai đoạn 3 được thực hiện từ năm 2001, chính quyền Quảng Châu tổ chức tuyên truyền cho người dân về việc cấm tất cả xe máy trong toàn TP, các xe máy cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải sẽ bị tiêu hủy.

Từ tháng 3/2004, chính quyền TP Quảng Châu bắt đầu thực thi lệnh cấm xe máy theo lộ trình cụ thể trong các khung giờ gồm: 9h - 16h30; 20h30 - 5h. Từ đầu năm 2006 cấm xe máy 24 giờ/ngày tất cả các ngày trong tuần trên một số tuyến phố chính và đến đầu năm 2007, Quảng Châu cấm hoàn toàn xe máy trong trung tâm TP.

Đánh thuế cao nhằm hạn chế phương tiện cá nhân

Tại đảo quốc Singapore, đất nước có diện tích nhỏ nhất thế giới và có số lượng phương tiện cá nhân tăng mạnh. Để kiểm soát tốt giao thông và hạn chế phương tiện cá nhân đi lại, ngoài việc cung cấp dịch vụ di chuyển công cộng chất lượng cao, các nhà chức trách còn áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt.

Chính phủ Singapore còn áp phí ùn tắc, dù đã bị chỉ trích, song đã tạo ra thay đổi đáng kể khi lưu lượng xe giảm 45%, số vụ tai nạn giảm 35%, đồng thời tạo nguồn vốn để tu bổ đường sá và phát triển giao thông công cộng.Với ôtô, chính phủ Singapore áp mức thuế cao hơn nhiều so với các nước khu vực. Chủ xe phải hoàn thành rất nhiều thủ tục như xin chứng nhận lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ. 

Đối với xe máy, tuy chỉ chiếm chưa đến 15% tổng số xe đang lưu thông trên đường nhưng lượng khí thải phát ra chiếm tới hơn 53%. Để đạt mục tiêu về chất lượng không khí, chính quyền khuyến khích dân chúng không sử dụng xe máy cũ có tuổi thọ trên 15 năm.

Chính quyền London (Anh) cũng áp dụng mức phí phụ thu ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện giao thông cá nhân khi đi vào trung tâm thủ đô từ năm 2017. Theo đó, các loại phương tiện giao thông cá nhân như xe ô tô, xe máy cũ gây ô nhiễm không khí sẽ phải chịu mức phí 10 Bảng/ngày khi lưu thông tại các khu vực trung tâm London vào các ngày trong tuần, trừ Thứ 7 và Chủ nhật trong khoảng thời gian từ 7h-18h. Theo tính toán, mỗi ngày có khoảng 10.000 phương tiện chịu mức phí mới này. 

Từ năm 2008, nhiều TP khác gồm: Berlin, Cologne, Hanover (Đức); Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh (Trung Quốc)… đã xem xét áp dụng thu phí ùn tắc nhằm hạn chế sự phát triển quá mức các phương tiện cá nhân, gây quá tải cho hạ tầng giao thông và ô nhiễm.

Đón đọc kỳ tới: Vì sao Quảng Châu "nói là làm"?