Hạn chế rác thải nhựa: Tuyên truyền gắn liền với hành động

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hoạt động phòng, chống rác thải nhựa, túi nilon.

Từ những kết quả đạt được trong năm 2019, năm nay tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, DN và người dân với kỳ vọng giảm mạnh sự “ô nhiễm trắng”.
Cộng đồng chung tay
Theo thống kê, mỗi ngày khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8 - 10% (khoảng 50 - 60 tấn). Tác hại của rác thải nhựa với môi trường đã được cảnh báo rất nguy hiểm. Vì vậy, trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và túi nilon luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp đặc biệt quan tâm; trong đó, TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.
 Thực phẩm được bọc bằng lá chuối giúp hạn chế sử dụng túi nilon.
Thời gian qua, công tác giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP đã có những kết quả bước đầu. Tại quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cho biết, kinh tế quận Hoàn Kiếm đang chuyển hướng sang phát triển thương mại - du lịch dịch vụ; lượng khách quốc tế đổ về địa bàn đã tăng lên trên 3 triệu lượt. Đi kèm với đó là lượng rác thải tăng cao - 233 tấn/ngày trong năm 2019 - trên diện tích hạn chế chỉ 5,2km2. Vì vậy, sau mỗi sự kiện, đặc biệt tại hồ Hoàn Kiếm, rác thải rất nhiều. Để bảo đảm môi trường trong sạch, ngoài các biện pháp thu gom trực tiếp, quận đã yêu cầu các đơn vị tổ chức cam kết giữ gìn và bảo vệ môi trường.
"Bên cạnh đó, quận cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nghiêm xử phạt các hành vi vi phạm. Riêng trong năm 2019, quận đã phạt 394 triệu đồng trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm vẫn xác định cốt lõi là cần nâng cao nhận thức chung của người dân, bởi rác thải ra môi trường đều là do con người và vấn đề không chỉ ở người dân quận, mà còn là du khách thập phương" - ông Long cho biết thêm.
Với những kết quả đã đạt được nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, không thể không kể đến sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị sở, ngành trên địa bàn TP. Trong năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã rất coi trọng việc bảo vệ môi trường và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu, bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
Riêng về vấn đề hạn chế và xử lý rác thải nhựa, Sở đã thực hiện 5 hoạt động cụ thể như ban hành Kế hoạch số 79/KH -SDL về việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch trên địa bàn, bảo đảm phát triển du lịch bền vững; Sở Du lịch Hà Nội chủ động phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện Kế hoạch chống rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2019 - 2020.
 Tuyên truyền không vứt túi nilon dịp lễ ''ông Công, ông Táo'' ngày 17/1/2020. Ảnh: Chiến Công
Sở tuyên truyền đến các DN và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội; đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, nhân viên ngành du lịch, tới người dân và du khách về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; chú trọng chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch và điểm du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm việc sử dụng các sản phẩm thân thiện vệ sinh môi trường; tiếp tục chú trọng thực hiện bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch và Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng trên địa bàn TP.
Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú - Sở Du lịch Hà Nội Kiều Việt cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thậm chí mạnh tay hơn là xử phạt theo thẩm quyền hoặc các quy định thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Sở cũng tổ chức khen thưởng, cấp chứng nhận nhãn du lịch bền vững nhằm khuyến khích mô hình du lịch xanh tại các DN, điểm đến... trên địa bàn TP.
Cam kết hành động
Một trong những biện pháp để “mưa dầm thấm lâu” trong giảm thiểu chất thải nhựa chính là tuyên truyền. Việc tuyên truyền sâu rộng, đúng trọng điểm, trọng tâm đến mỗi người dân sẽ dẫn đến thay đổi nhận thức và hành động. Từ đó, việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn sẽ được nhân lên trong từng khu phố, đến trường học, nơi công cộng, nhà hàng, khách sạn… rộng hơn nữa tại nơi công sở, các DN, tập đoàn lớn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở xác định công tác tuyên truyền được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, trong năm 2020 sẽ xây dựng các loại hình tuyên truyền đến DN sản xuất, phân phối từ chợ đến siêu thị, tuyên truyền đến người tiêu dùng, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội làm video clip tuyên truyền tại khu vực phố đi bộ, nhà hàng, khách sạn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng xuống tận cấp quận, huyện và các chợ trên địa bàn TP...
Đồng tình với cách đa dạng hình thức tuyên truyền, nhưng cũng phải đi đôi với hành động, GS.TS Đặng Kim Chi cho biết, để đối phó với vấn nạn rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay ban hành nhiều luật cấm để hạn chế, rồi tiến tới không còn rác thải nhựa.
"Chúng ta không thể đánh đổi kinh tế với chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng nhưng cần đề cập thiên về giải pháp mang tính tổng hợp kỹ thuật. Ví dụ như giải pháp 3R, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng, và 5R như từ không dùng, đến giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và cuối cùng hủy bỏ có kỹ thuật và an toàn" - bà Đặng Kim Chi nói.
Song hành với đó, cũng phải tập trung đầu tư công nghệ sản xuất nguyên liệu để đưa ra sản phẩm thay thế nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc khắc phục nhược điểm khó phân hủy của nhựa.
"Nhựa có nhiều ưu điểm, như nhẹ, bền, dễ chế tạo và giá thành thấp. Đó là lý do sản phẩm nhựa được ưa chuộng trong hàng chục năm qua tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần đầu tư vào các biện pháp, coi rác thải nhựa như nguyên liệu mới, như nguồn nhiệt cấp năng lượng cho nhà máy phát nhiệt, xi măng, và giảm tiêu thu nguyên liệu thông thường – bà Đặng Kim Chi đề xuất.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là cần đầu tư các điểm thu gom chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy từ hoạt động sinh hoạt. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay, các sản phẩm thân thiện môi trường như tre nứa, giấy kết hợp với polyme… đang được khuyến khích các DN sản xuất để thay thế túi nilon. Thời gian tới, trong quá trình thực hiện, Sở TN&MT sẽ có đánh giá chuyên sâu trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra ngày một tăng. Do vậy, cả xã hội cần chung tay hành động giải quyết, kịp thời ngăn ngừa những tác hại từ "ô nhiễm trắng".

"Hiện, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện để nghiên cứu phương án thu gom vận chuyển đưa về xử lý theo mô hình thí điểm tại quận Hoàn Kiếm để trình UBND TP áp dụng rộng rãi. Khó khăn vướng mắc nhất hiện nay là vấn đề rác không được phân loại tại nguồn dẫn đến chất lượng rác không bảo đảm khó cho các công nghệ xử lý." - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái


"Trên cơ sở 1.000 bản cam kết từ các DN thu được cho đến nay, Sở Công Thương sẽ có biện phát rà soát. Đối với hệ thống phân phối, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tháng 12 được lồng ghép vấn đề này để các đơn vị báo cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch tuyên truyền, vận động để các DN có giải pháp hoàn thiện nhất yêu cầu các đơn vị tổ chức tham gia hiệu quả chương trình chống rác thải nhựa." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần