Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi đi vào đất liền tối 18/7, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa to đến rất to tại nhiều tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Các bộ ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội, đang gấp rút triển khai giải pháp ứng phó với tình trạng mưa lũ sau bão.
 
Tính đến chiều 18/7, đợt mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và dải hội tụ nhiệt đới đã gây ngập úng khoảng 64.300ha cây trồng. Cụ thể, tại Nam Định 22.000ha, Thanh Hóa 13.300ha, Nghệ An 12.200ha, Hà Tĩnh 10.100ha, Ninh Bình 6.700ha... Dù cách xa tâm bão, song Hà Nội cũng bị ngập úng trên 167ha lúa tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai. Hiện các DN thủy lợi của Hà Nội đang tiếp tục vận hành 101 trạm bơm tiêu với 320 máy bơm; tổng lưu lượng bơm 1.040.500m3/giờ, tiêu thoát nước chống úng ngập cho cây trồng…

Mưa lớn cũng khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng. Thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar, trong ngày hôm qua, ít nhất 14 chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi TP Vinh (Nghệ An) đã bị hủy. Trong khi đó, khoảng 400 hộ dân tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) bị cô lập do mưa lớn khiến các tuyến đường bị ngập sâu. Tuyến đường liên xã tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị nước lũ cuốn trôi cũng khiến hai xã của địa phương này bị chia cắt.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày hôm nay (19/7) ở khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa to (lượng mưa 150 - 200mm/đợt). Từ ngày 19 - 20/7, mưa lớn có khả năng mở rộng lên các tỉnh vùng núi phía Bắc và khu Tây Bắc Bắc Bộ (lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 250mm).

Để chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, chiều 18/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

ký ban hành Công điện khẩn số 01 yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn TP tổ chức trực 24/24 giờ; theo dõi chặt diễn biến bão số 3, tình hình mưa, lũ, sự cố thiên tai; Kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất.
Hiện nay, ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, diện tích gieo trồng vụ Hè Thu, vụ Mùa hầu hết mới gieo cấy, nên dễ bị thiệt hại nặng nếu ngập úng và có nhiều công trình thủy lợi đang xuống cấp, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Đợt mưa sẽ trùng với kỳ triều nước kém, nên khả năng tiêu úng của các cống tiêu tự chảy vùng Đồng bằng sông Hồng bị hạn chế. Do đó, để bảo vệ an toàn công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các tỉnh, TP vận hành khẩn cấp, tối đa công suất các công trình thủy lợi để tiêu úng và tiêu nước đệm trong hệ thống kênh mương, đặc biệt ở khu vực có các diện tích lúa Mùa, Hè Thu mới gieo cấy. Đồng thời, chủ động hạ thấp mực nước các hồ chứa nước có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình. Đặc biệt, chú ý không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Trước diễn biến của bão số 3, chiều ngày 18/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, nhất là bảo đảm an toàn tàu thuyền, ứng phó với úng ngập, sạt lở đất khi mưa lớn.

Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức đoàn công tác thị sát, đôn đốc công tác ứng phó, khắc phục mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Chiều qua, T.Ư cũng đã có Công điện số 14 yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, lũ quét, sạt lở đất, bằng mọi hình thức, kịp thời thông tin để người dân biết, chủ động phòng tránh. Rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án di dời dân tới nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường ngập nước, bến đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn...

Ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết: Dự báo các đợt mưa lớn ở Bắc Bộ tập trung trong các tháng 7 - 8/2018. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Từ tháng 9 đến cuối năm 2018, lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với TBNN (tổng cộng cả năm khoảng 13 - 14 cơn). Xu thế chung là bão/ATNĐ hoạt động nhiều, nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa. (Thương Huế)


Theo thông tin từ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, mạng lưới của nhà mạng này được đặt ở mức sẵn sàng cao nhất, nhân lực bố trí trực 24/24 giờ chống bão. MobiFone đã rà soát, kiểm tra và tăng độ an toàn cho hơn 400 cột, hơn 600 trạm phát sóng tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định… là nơi dự kiến bão Sơn Tinh đổ bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra. (Thu Trang)