Hạn chế xe cá nhân: Cấp bách, nhưng phải có lộ trình

Minh Tường thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến các Đề án: Phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy và thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ UTGT, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện.

 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện
Ông Vũ Văn Viện khẳng định: “Việc hạn chế xe cá nhân nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường đối với Hà Nội là rất cấp bách. Tuy nhiên quá trình thực hiện phải có lộ trình và đầy đủ các điều kiện”.
Xin ông cho biết vì sao lại phải phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy cũng như thu phí phương tiện vào nội đô TP Hà Nội?
- Hà Nội hiện có trên 6 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, khoảng 0,6 triệu ô tô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011 - 2018 bình quân tăng 11%/năm đối với ô tô (ô tô con là 11,5%/năm) và xe máy là 6,75%/năm. Tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải hệ thống đường bộ khiến tình trạng UTGT ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng lên.
Song song với việc phát triển hạ tầng giao thông và vận tải công cộng, cần thiết phải có các biện pháp hữu hiệu để hạn chế việc sử dụng xe cá nhân. Đó là nguyên lý mà mọi đô thị lớn trên thế giới đều phải áp dụng nếu muốn giảm thiểu những hệ lụy từ xe cá nhân.
Lộ trình thực hiện các Đề án này như thế nào, thưa ông?
- Năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghị quyết đã đề với 45 giải pháp đồng bộ, trong đó, có nhiệm vụ xây dựng các Đề án: Phân vùng, hạn chế hoạt động của xe máy và thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ UTGT.
UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Hà Nội lập Đề án trình HĐND TP trước khi trình lên Thủ tướng. Đây là cơ sở để Sở GTVT cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng các Đề án nêu trên. Tôi xin nhấn mạnh thêm, hiện nay đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các chuyên gia để xây dựng Đề án, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân nhằm đảm bảo tính khả thi của Đề án. Dự kiến các Đề án sẽ được thực hiện theo lộ trình dài, thận trọng đến năm 2030.
 Hạn chế xe cá nhân để tránh ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Ảnh: Thanh Hải
Liệu việc thu phí phương tiện vào nội đô có dẫn đến hiện tượng “phí chồng phí” không, thưa ông?
- Tên gọi của Đề án: “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, đã cho thấy mục tiêu và ý nghĩa của nó. Nó chỉ là một biện pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân lưu thông.
Chúng tôi sẽ làm rõ bản chất của khoản phí này và đảm bảo việc thu phí phương tiện cơ giới trên địa bàn là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác. Loại phí này chưa có trong Luật Phí và Lệ phí nên theo đề xuất của Bộ Tài chính đã được Chính phủ thống nhất giao cho TP Hà Nội nghiên cứu, đề xuất.
Lộ trình xây dựng Đề án xuyên suốt từ khâu nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia, thẩm tra, thẩm định của các cơ quan chức năng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đều phải tuân thủ đúng quy định, thống nhất, chặt chẽ.
Việc hạn chế tiến tới cấm xe máy lưu thông trong nội thành liệu có gây khó khăn cho người dần đi lại không, thưa ông?
- Đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận Nhân dân trong và ngoài TP, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng Đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định quá trình thực hiện Đề án sẽ có lộ trình và đầy đủ các điều kiện.
Đặc biệt, chỉ khi vận tải công cộng đáp ứng tối thiểu 40% nhu cầu lại của người dân thì mới tiến hành hạn chế xe máy. Các tuyến đường, khu vực có thể hạn chế cũng sẽ được nghiên cứu, khảo sát kỹ càng, chi tiết, đảm bảo không gây khó khăn cho Nhân dân đi lại.
Xin cảm ơn ông!