Hàn Quốc nhức nhối với vấn nạn rượu bia

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hàn Quốc, không hiếm trường hợp người lái xe gây tai nạn trong tình trạng say xỉn đã uống thêm rượu để tìm cách thoát án.

Gần đây, luật điều chỉnh rượu và văn hóa nhậu tại Hàn Quốc đã nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều sau những vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, như: việc tài xế đang say uống thêm nhiều rượu hơn để làm sai lệch kết quả kiểm tra sau khi gây tai nạn hay vụ một bác sĩ thực hiện phẫu thuật khi đang trong tình trạng say.

Theo các nhà quan sát, những sự việc trên đang gây sức ép buộc chính phủ ở một trong những quốc gia vốn nổi tiếng về văn hóa uống rượu phải xử lý các lỗ hổng pháp lý liên quan đến vấn đề này.

Tòa án Tối Cao Hàn Quốc đã dẫn chứng một vài trường hợp tài xế được cho là gây ra tai nạn trong tình trạng say đã cố thoát hình phạt thông qua việc uống thêm rượu. Những người này lý giải việc uống rượu là để giải tỏa áp lực, nhưng không may đã dẫn đến tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vào tuần trước, tòa này đã hủy bỏ quyết định của tòa án cấp dưới và tuyên bố trắng án cho người đàn ông phạm tội lái xe khi đang say vào năm 2019, bất chấp việc anh ta bị nghi uống nhiều rượu hơn nhằm làm sai lệch các bài kiếm tra nồng độ cồn.

Theo đó, phán quyết sáu tháng tù treo của tòa án cấp sơ thẩm với người đàn ông này đã bị tòa phúc thẩm phủ quyết và xử theo hướng có lợi cho bị cáo, nhấn mạnh luật quy định phải phân tích chính xác mức độ cồn trong máu (BAC).

Tòa án Tối cao giữ nguyên phán quyết của tòa phúc thẩm, tuy nhiên cũng thừa nhận rằng tình trạng người lái xe trong tình trạng say uống thêm rượu để làm sai lệch kết quả BAC nhằm trốn án là không hề hiếm.

“Việc để những người lái xe khi đang say tránh bị trừng phạt hình sự theo cách này là điều không muốn. Do vậy, chúng tôi yêu cầu chính phủ ban hành luật mới để đối phó với hành vi cố ý lách luật và gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội này” – Tòa cho biết.

Luật sư Lee Min từng tiết lộ với tờ This Week in Asia về việc mình đã từng thắng các vụ kiện tương tự theo hướng có lợi cho bị cáo.

Trong khi đó, Kim Han-bit, một luật sư khác, tán thành về việc cần có luật mới để trừng trị những hành vi làm giả kết quả kiểm tra, đồng thời nhấn mạnh việc từ chối kết quả phân tích nồng độ cồn cần phải bị phạt nghiêm khắc.

Theo dữ liệu chính thức, tại Hàn Quốc, hơn 130.283 người lái xe trong tình trạng say đã bị bắt vào năm 2022, tăng so với mức 110.000 người trong hai năm trước khi giao thông giảm do những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19. Khoảng 42% tài xế vi phạm bị bắt là người tái phạm. Cũng vào năm 2022, số người thiệt mạng trong các vụ tại nạn liên quan đến uống rượu lái xe đã tăng lên 214 người vào năm 2022, tăng từ 206 người vào năm 2021.

Hàn Quốc nổi tiếng về văn hóa nhậu công sở. Ảnh: SCMP
Hàn Quốc nổi tiếng về văn hóa nhậu công sở. Ảnh: SCMP

Tờ The Korea Herald cho biết Hàn Quốc là quốc gia nổi tiếng về uống rượu, một phần bắt nguồn từ đặc trưng văn hóa cũng như những áp lực xã hội buộc họ phải tham gia. Chẳng hạn, nhân viên cấp dưới khó có thể từ chối lời mời nhậu của cấp trên tại những bữa tiệc hoesik, văn hóa ăn nhậu sau giờ làm. Theo tờ The Korea Herald, việc bỏ lỡ những bữa tiệc này thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với không hoàn thành nhiệm vụ công ty.

Theo khảo sát vào năm 2020 của JobKorea đối với 659 công nhân về các buổi hoesik, chỉ 45% cho biết được tự do lựa chọn có dự tiệc tối của công ty, 41% lo lắng về hậu quả nếu không tham dự tiệc và 13% xác nhận việc tham dự là bắt buộc.

Trong một vụ khác, vào tháng trước, một bác sĩ tại bệnh viện Seoul bị bắt quả tang khi đang khâu vết thương trên mặt bệnh nhân trong tình trạng say rượu. Mặc dù nhận được đơn khiếu nại từ bệnh nhân, cảnh sát lại không xử lý được bác sĩ này do không có bất kỳ quy định pháp luật nào đối với trường hợp này. Bất chấp việc bác sĩ này có thể bị cáo buộc nếu gây ra tai nạn khi hành nghề do uống rươu, các nhà quan sát cho biết rất khó để buộc tội theo hướng này do khó chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng say rượu của bác sĩ và thương tích hoặc tử vong của bệnh nhân.

Vụ việc trên đã buộc các cơ quan y tế phải xem xét ban hành các quy định mới cũng như đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các bác sĩ vi phạm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đã phản đối với lý do thiếu nhân viên y tế và quyền tự do riêng tư.

“Điều này có nghĩa là nhân viên y tế không được uống rượu ngay cả khi hoàn thành công việc và trở về nhà do họ có thể bị lập tức gọi trở lại trong trường hợp khẩn cấp. Thật không công bằng khi chính phủ áp đặt những hạn chế như vậy đối với nhân viên” – Bác sĩ nhi khoa Ahn Byoung-hai trả lời với tờ This Week in Asia.