Hàng loạt dự án bất động sản lớn được cấp phép: Khó giải quyết ùn tắc cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Bài, ảnh: Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một nghịch lý là tại những điểm nóng về ùn tắc giao thông (UTGT) nghiêm trong mà ngành giao thông đang phải gồng mình giải quyết thì ngành quy hoạch, xây dựng lại cho phép cả chục dự án bất động sản quy mô lớn khiến cho tình hình giao thông trở nên tồi tệ hơn.

Phải chăng ngành giao thông làm mà ngành quy hoạch, xây dựng “phá”?
Sống chung với kẹt xe
Khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người về UTGT. Ùn tắc, kẹt xe có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Ngày 20/7/2017, dù không phải là mùa cao điểm đi lại nhưng một vụ kẹt xe kéo dài 3 tiếng đồng hồ đã xảy ra tại khu vực này. Những lúc kẹt xe, cảnh hành khách sợ trễ giờ bay, đã phải xắn váy, xách hành lý chạy bộ, len lỏi qua các hàng xe ken dày đặc trên đường hàng kilomet… để tới sân bay là không hiếm. Vào mùa cao điểm đi lại như dịp lễ, Tết thì cảnh kẹt xe, tắc đường tái diễn nhiều lần mỗi ngày…
Có thể nói, ngành giao thông hiện đang phải căng mình để giải quyết vấn đề kẹt xe ngày càng nghiêm trọng ở khu vực sân bay về ngắn hạn cũng như dài hạn. Về dài hạn, ngành giao thông đã có một kế hoạch to lớn nhưng để kế hoạch này thành hiện thực cần một khối lượng vốn đầu tư khổng lồ và một quá trình rất dài.

Tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ vào Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên diễn ra.

Ngày 10/7/2017, trong buổi làm việc giữa UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ GTVT về quản lý quy hoạch, đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn TP, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã đệ trình cùng lúc 22 dự án phát triển hạ tầng giao thông để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, để thực hiện 22 dự án này, cần phải có một số lượng vốn đầu tư khổng lồ, dự kiến khoảng 13.320 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD), chưa tính đến tiền bồi thường GPMB. Hiện tại, mới chỉ có 8/22 dự án đã được phê duyệt, trong đó có thể kể đến như dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn – Đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài trên địa bàn quận Tân Bình; dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm trên địa bàn quận Gò Vấp…
Một trong những nỗ lực của ngành giao thông nhằm giải quyết nhu cầu bức bách trước mắt là hạn chế kẹt xe khu vực sân bay đã xây dựng đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép trên đường Trường Sơn. Tuy nhiên, khi đưa cây cầu vượt vào sử dụng thì tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường đánh giá, việc đưa vào vận hành cầu vượt Trường Sơn chỉ phần nào giảm bớt tình hình ùn tắc tại khu vực sân bay chứ không thể giải quyết triệt để. Cũng theo ông Cường, quy hoạch đến năm 2020, lượng hành khách qua Sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu lượt. Để đáp ứng nhu cầu này thì phải đồng bộ hệ thống hạ tầng trong và ngoài sân bay với tổng cộng 22 dự án…
Như vậy có thể hiểu, khi TP chưa thể kịp đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo kế hoạch thì trong ngắn hạn vài năm tới tình hình UTGT ở khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn tiếp diễn.
Lỗi do đâu?
Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, vấn đề kẹt xe ngay cửa ngõ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra là tại sao tình trạng kẹt xe trên tuyến đường Trường Sơn và các khu vực lân cận đột nhiên lại trở nên nghiêm trọng như vậy?
Theo các chuyên gia, ngay cả trong mùa cao điểm Tết, lượng hành khách ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ tăng 10-15 % so với bình thường, không phải là nguyên nhân của tình trạng kẹt xe hiện nay. Nguyên nhân chính là do mật độ lưu lượng phương tiện giao thông đã tăng đột biến trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, một phần là do đưa vào sử dụng tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, tuyến đường này kết nối với đường Trường Sơn. Một lượng phương tiện giao thông từ hướng quận Thủ Đức lưu thông vào các quận Tân Bình, Tân Phú đều thông qua tuyến đường này.
Nguyên nhân quan trọng nhất làm gia tăng phương tiện giao thông dẫn đến kẹt xe của khu vực phải kể đến đó là khu vực này đang trở thành một trong những “thủ đô” của các dự án bất động sản quy mô lớn. Nếu tính trong bán kính 3km của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có ít nhất vài chục dự án bất động sản quy mô lớn đã được đưa vào sử dụng, đang xây dựng trong vòng vài năm trở lại đây. Các tuyến đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám, Hồng Hà, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa… giờ dày đặc các dự án bất động sản, trong khi trước đó vốn là đất trống không có người sinh sống.
Chỉ riêng vài “ông lớn” của làng bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đã có gần một chục dự án trong khu vực này với quy mô nhỏ thì vài trăm căn hộ, lớn thì lên lên đến cả ngàn căn hộ. Với gần cả chục ngàn căn hộ đổ bộ vào một khu vực chật hẹp các tuyến đường quanh Sân bay Tân Sơn Nhất, ước tính đã, đang và sẽ có khoảng gần 10.000 hộ dân di dời về khu vực này sinh sống. Nếu tính bình quân, mỗi hộ dân có 1 ô tô và 2 xe máy thì sẽ có thêm hàng chục ngàn phương tiện giao thông hàng ngày, hàng giờ “nêm” chặt các tuyến đường nhỏ hẹp này.
Dường như có một nghịch lý, ngành giao thông, chính quyền TP đang phải căng mình giải quyết bài toán giao thông của khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi đó ngành quy hoạch, ngành xây dựng lại cấp phép cho hàng loạt các dự án bất động sản quy mô lớn đổ bộ vào khu vực này. Phải chăng, trong câu chuyện giải quyết UTGT khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, ngành giao thông miệt mài triển khai giải pháp, còn ngành quy hoạch, xây dựng lại “phá”?
Không biết, TP Hồ Chí Minh thu được bao nhiêu lợi ích kinh tế, xã hội từ các dự án bất động sản quanh sân bay nhưng cái giá phải trả là rất lớn, kẹt xe triền miên, ảnh hưởng mọi mặt đời sống của người dân.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần