Hàng loạt nhà máy điện có nguy cơ gây ô nhiễm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh đó là hàng loạt các nhà máy hóa chất, khai thác khoáng sản đã có tên trong danh sách nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần nằm trong diện giám sát đặc biệt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố bản danh sách cần giám sát đặc biệt gồm khoảng 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện, khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Những nhà máy này thuộc về 5 tập đoàn và 2 tổng công ty.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải khói bụi ra môi trường
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam gồm các nhà máy: Nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh.
Thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam gồm: Dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền.
Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm: Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất phốt pho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình.
Các đơn vị khác như Tổng công ty Thép Việt Nam với Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên, Tổng công ty Giấy Việt Nam với Nhà máy giấy Bãi Bằng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam với Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex và Tổng công ty may Việt Thắng cũng nằm trong danh sách nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với chủ đầu tư của các dự án nhiệt điện, xuất hiện nhiều nhất trong danh sách trên, Bộ Công thương yêu cầu phải thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, không phát tán ra môi trường. Các nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng phải hoàn thành ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ trong năm 2016. Bên cạnh đó, phải đảm bảo nồng độ phát thải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện, hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy...
Các tập đoàn, tổng công ty cũng được Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có, để giảm phát thải, cải thiện môi trường. Đồng thời phải kiện toàn bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường các cấp, rà soát quy chế quản lý môi trường hiện có hoặc xây dựng quy chế bảo vệ môi trường nội bộ.
Phía Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra và báo cáo đề xuất những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong thời gian tới.