Hành động đơn giản, nhưng phòng bệnh hiệu quả

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến tình hình bệnh nCoV gây ra tại Trung Quốc và 19 quốc gia trên thế giới, WHO và Bộ Y tế đã đưa ra những cảnh báo và cách phòng, chống căn bệnh này.

Đeo khẩu trang y tế đúng cách
Ngoài việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm đường hô hấp cấp, giữ ấm cơ thể, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng…, việc đeo khẩu trang là một trong những hành động rất đơn giản nhưng hiệu quả phòng bệnh rất cao. Tuy nhiên, đeo khẩu trang như thế nào cho đúng để phòng bệnh lại là điều mọi người thường bỏ qua.
Theo các chuyên gia y tế, khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp với công dụng khác nhau. Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt xì, ho, thở mạnh...
Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.
Virus Corona với kích thước khoảng 150 - 200nm(nano mét) và virus cúm Influenza A có kích thước 80 - 120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn. Dùng khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn các giọt nước bọt lớn có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho, nên sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả.
Khẩu trang chỉ sử dụng một lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
Đeo khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
Không bật điều hòa dưới 25 độ C
Nhiều chuyên gia y tế lo ngại, miền Bắc thời tiết lạnh như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi để nCoV phát triển, lây lan thành dịch. Còn ở miền Nam, thời tiết ấm áp, nhiệt độ cao, nCoV khó tồn tại. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, điều này không có nghĩa là TP Hồ Chí Minh và các địa phương có khí hậu nóng khác sẽ không có nguy cơ lây lan virus corona.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh chia sẻ, theo kinh nghiệm chống đại dịch SARS tại Việt Nam và kinh nghiệm từ các cơ sở y tế ở Hàn Quốc, đóng cửa kín và để không khí quá lạnh sẽ dễ khiến virus lây lan nhanh mạnh hơn. Vì thế, người dân nên mở cửa nhà, giữ nhà cửa thông thoáng, nhiệt độ phòng trên 25 độ, không bật điều hòa quá lạnh và chú ý rửa tay sạch sẽ thường xuyên.
Đối với người đi ô tô, nên để nhiệt độ điều hòa trên 25 độ C, không bật điều hòa quá lạnh và chú ý rửa tay sạch sẽ thường xuyên vì phải tiếp xúc với các tay nắm cửa và các chi tiết nhựa trong khoang xe. Với các mẫu xe có trang bị điều hòa tự động, người lái có thể dễ dàng thấy được chỉ số nhiệt độ được hiển thị trên cụm điều khiển hệ thống điều hòa, qua đó điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với tình hình hiện nay.
Những xe không có điều hòa tự động thì thao tác này tỏ ra khó chính xác hơn khi xe không thể hiện chính xác nhiệt độ của hệ thống làm mát, người lái sẽ phải tự mình ước chừng, thông thường nên chọn chế độ làm mát vừa phải, không quá lạnh, tạo điều kiện cho virus có thể sống sót.