Hà Nội mở rộng: Kiến tạo đô thị bền vững

Vân Hằng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những vùng đất rộng lớn, những cánh đồng xưa thành các mảnh đất vàng, hạ tầng dần đồng bộ với một môi trường xanh chính là thành công bước đầu khi Thủ đô mở rộng.

 Toàn cảnh TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
“Nếu chậm chạp mở rộng, Hà Nội sẽ trở thành một Thủ đô cạn kiệt dư địa phát triển như một số đô thị khác trong khu vực châu Á, Đông Nam Á. Việc Hà Nội dũng cảm “bẻ ghi” từ 920km2 lên 3.344km2 thu được những “trái ngọt” nhất định. Song, muốn đạt định hướng đến năm 2050, tầm nhìn 2110, Hà Nội vẫn cần hoạch định một bản quy hoạch tổng thể bao gồm ít nhất 3 hợp phần: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất” – TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư cho biết như vậy khi trò chuyện với phóng viên Kinh tế & Đô thị.
Nhiều người đánh giá, từ quyết định mở rộng, Hà Nội được nhiều hơn mất. Vậy ý kiến cá nhân của ông ra sao?

- Về mặt bối cảnh triển vọng nếu đặt lên cán cân, rõ ràng Hà Nội “được” vẫn nhiều hơn. Cụ thể, ba cái được lớn nhất như sau: Thứ nhất, có dư địa lớn kiến tạo Thủ đô đô thị với nền tảng hạ tầng và thị trường bất động sản. Bởi, Hà Nội ngày xưa vốn dĩ chỉ là một tỉnh vào năm 1831 nay là Thủ đô, có vị thế khác hẳn. Song song với nguồn lực quản lý đất đai sẽ tạo đà cho nguồn lực xã hội và nguồn vốn phát triển. Nếu không, chúng ta sẽ bị bao vây bởi các khu đô thị và khu công nghiệp của các tỉnh lân cận, tạo ra hành lang “bít kín”, Hà Nội không còn đất đai để phát triển.

Tiếp theo, Hà Nội đang sở hữu những điểm nhấn tuyệt đẹp cho quá trình đô thị hóa. Đó là núi Tản, sông Hồng, trục dọc Đại lộ Thăng Long, trục Sơn Tây – Xuân Mai. Cụ thể hai bên sông Hồng động lực gồm các quận Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Văn Điển, Ngọc Hồi chạy thẳng qua Pháp Vân - Cầu Giẽ. Bên kia sông Hồng sẽ là Mê Linh, Đông Anh, Cổ Loa, Long Biên, Gia Lâm và sát Trâu Quỳ.
Trục dọc Đại lộ Thăng Long còn lại chốt bởi 4 điểm: Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Sơn Tây và Xuân Mai với điểm cuối đường 21. Đó là đô thị lõi của Hà Nội năm 2050 và tầm nhìn 2110. Mỗi 10 năm Hà Nội tiến về phía Tây được 5km từ thời điểm 1990 như một sự tất yếu (đường Láng, sông Tô Lịch, Vành đai 3, sông Nhuệ, sông Đáy). Với hình thể đấy, Hà Nội đang có một dải hình thang đầy tiềm năng.

Cuối cùng, có điều kiện để cho nhà đầu tư thi thố tài năng để phát triển hạ tầng đô thị, đầu tư địa ốc. Nôm na là tạo ra sự đồng bộ về mặt cảnh quan cho trục phía Tây trục hình thang.

Dẫu vậy, bên cạnh mặt được cũng còn không ít khó khăn. Theo đó, Hà Nội chưa có một quy hoạch tổng thể đồng bộ, nhưng lại đã có nhiều dự án được phê duyệt. Mặt khác, vẫn “khuyết” một chủ thể mang tính chất định hướng, làm việc vạch hướng, đầu tư phân khu, đầu tư tiên phong, thay đổi cục diện hình thái để các DN có hướng đi tiếp theo. Đáng chú ý, khó khăn nổi cộm là không có chương trình hành động đủ tốt để phát triển khu vực đô thị mới kết hợp với chỉnh trang đô thị cũ.
 TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế T.Ư
Trong vấn đề quản lý thị trường, cần định hướng ra sao để “Hà Nội mới” không là đô thị lạc hậu đối với các thế hệ đi sau?

- Tiếp tục xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng TP thông minh và đi liền với nó là có thể phải điều chỉnh lại địa giới. Các địa bàn không phù hợp để phát triển đô thị, không thể đô thị hóa bắt buộc phải trả lại cho các tỉnh (không nhất thiết phải là các tỉnh cũ mà có thể là các tỉnh liền kề). Đồng thời, kiên định gắn kết: quy hoạch tổng thể, phát triển thị trường bất động sản và phát triển hạ tầng đô thị. Do đó, bắt buộc có quy hoạch tổng thể, ít nhất nhất thể hóa 3 bộ phận quan trọng nhất: gồm quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050 cho Hà Nội tầm nhìn 2110 (hoặc chí ít là dải đô thị hình thang tiềm năng). Chừng nào chưa có sẽ vấp lại những cái đang “tự lạc hậu” hiện tại.

Sau khi có quy hoạch phải có chương trình hành động triển khai để thực hiện quy hoạch ba trong một. Từng giai đoạn 5 năm một làm cái gì, làm ở đâu với đủ ba yếu tố: văn bản, nhân tài, vật lực. Không thể hữu xạ tự nhiên hương mà phải có cơ chế chính sách thực tiễn cho những vấn đề này. Ít nhất có cơ chế đầu tư công trình hạ tầng rồi lấy hai bên hành lang, đấu thầu xây dựng bất động sản theo quy hoạch, dùng kinh phí tiếp tục phát triển hạ tầng.

Hơn nữa phải có chế tài kiểm soát sự phát triển DN đủ mạnh. Giả định, DN lấn ra 5cm, chúng ta “ngó lơ”, họ sẵn sàng lấn ra 1m. Lúc đó, câu chuyện đi phá dỡ bao giờ cũng khó hơn vạn lần việc thanh, kiểm tra và chế tài ngay từ đầu.

Đồng thời, phải huy động một số quỹ nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển đô thị Hà Nội. Ít nhất, phải có các quỹ: xây dựng quỹ đầu tư tiết kiệm tương hỗ, quỹ tín thác phát triển đô thị và hệ thống ngân hàng tái thế chấp. Ba trụ cột trong công cụ tài chính phái sinh mà bất cứ đô thị vững mạnh nào muốn phát triển đều phải có.

Vậy, triển vọng vùng đô thị mới Hà Nội mở rộng đến năm 2050 và tầm nhìn 2110 là gì, thưa ông?

- Cơ bản nếu dựa vào đô thị hình thang tiềm năng đã phân tích và tuân thủ những đề xuất ở trên, nhiều khả năng Hà Nội có được đô thị hiện đại văn minh. Về mặt nguyên tắc cứ sau 10 năm ra được 5km phía Tây. Đường Đại lộ Thăng Long từ cầu Tô Lịch lên đến ngã ba Láng Hòa Lạc bây giờ chúng ta đã đi được 1/3. Khoảng năm 2040 sẽ chạm vào ngã ba Láng Hòa Lạc. Còn Hà Nội theo sông Hồng từ phía Bắc cầu Thăng Long đến phía Nam cầu Thanh Trì sẽ chậm hơn, chủ yếu tập trung phát triển dọc đường Đông Trù - đường 5 cũ và các điểm hành lang các cầu lên khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Về phía Nam sông Hồng, chỉ có thể phát triển đến Ngọc Hồi – Đông Phù. Rất khó phát triển đến tận Thường Tín. Lúc đó, triển vọng Hà Nội sẽ có khoảng 12 - 15 triệu người, nhưng đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng là con số kinh phí khổng lồ. Quan trọng nhất phải triệt tiêu hội chứng lãng phí nguồn lực của những năm 2005 - 2007 - 2009 với các khu đô thị không có người ở.

Xin cảm ơn ông!