Hãy có trách nhiệm hơn với con em mình

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua nhiều hoạt động thể hiện lòng biết ơn, sự ghi nhận với những người làm sự nghiệp trồng người. Tất nhiên, đối tượng thể hiện sự tôn vinh đó chủ yếu vẫn là học sinh các cấp.

Các em nhỏ, từ mẫu giáo cho tới hết bậc trung học cơ sở, thường là đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động tập thể của trường, của lớp.
Nhiều em được cha mẹ giúp đỡ thể hiện lòng biết ơn với các thầy, cô. Với độ tuổi trưởng thành hơn, các em học sinh THPT, ngoài các hoạt động chung, còn cùng nhau đến thăm thày, cô tại nhà riêng. Đây là việc làm góp phần tăng cường tình cảm thầy trò mà nhiều thế hệ học sinh đã, đang và sẽ thực hiện. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những ngày qua, lượng học sinh, đặc biệt là học sinh THPT tham gia giao thông khá đông đảo.
Để ý một chút có thể thấy số các em sử dụng xe đạp, xe máy điện, kể cả xe máy trên đường phố những ngày này nhiều hơn. Cũng không ít các em đèo 2 - 3 người, không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy sóng đôi. Có em còn vô tư đi vào đường ngược chiều, vô tư vượt đèn đỏ. Có vẻ như nhân ngày hội của thày và trò, các bậc làm cha mẹ, lực lượng chức năng cũng “nới lỏng” cho các em “tự do” hơn.
Cần phải nói rằng, những hành vi vi phạm nêu trên không chỉ diễn ra trong dịp vừa qua. Đã nhều lần báo chí, truyền thông cảnh báo hiện tượng này. Theo một thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Hà Nội cũng như trên cả nước, tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em không ngừng gia tăng. Học sinh trung học phổ thông chiếm tới 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây.
Đây thực sự là con số đáng báo động về sự an toàn của học sinh khi tham gia giao thông. Đặc biệt, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường tại các trường phổ thông đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành luật giao thông của giới trẻ hiện nay.
Có thể nói, trước vấn nạn nói trên, các cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là các ngành Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GD&ĐT, các nhà trường… đã có nhiều biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, tình trạng học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, đặc biệt là đi xe máy đến trường vẫn không được giải quyết dứt điểm, nhất là tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…
Một trong những nguyên nhân, nếu không nói là nguyên nhân cơ bản của tình trạng nói trên, là sự buông lỏng của các vị phụ huynh với con em mình. Có rất nhiều lý do để các bậc cha mẹ cho con em mình đi xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái, chưa đầy đủ ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, công việc bận rộn không có thời gian đưa đón con cho kịp lịch học thêm đến chóng mặt ở các lớp cuối cấp...
Chưa kể đến chính các vị phụ huynh cũng chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải tuân thủ những quy định của Luật Giao thông đường bộ. Như vậy, vấn nạn này chỉ có thể giải quyết triệt để khi mỗi gia đình, mỗi cha mẹ kiên quyết không cho phép con em mình sử dụng xe máy khi tham gia giao thông cũng như nhắc nhở, làm gương cho các em, chấp hành nghiêm luật lệ giao thông.
Tình trạng các em học sinh THPT sử dụng các phương tiện xe máy, xe đạp điện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông những ngày qua thêm một lần nhắc nhở những người làm cha, mẹ hãy có trách nhiệm hơn nữa với sức khỏe, sự an toàn của con em mình. Thật đau lòng khi trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước và 90% số vụ tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em liên quan đến học sinh THPT.
Xin nhắc lại là tình trạng đáng buồn này chỉ có thể giải quyết dứt điểm khi mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ ý thức đầy đủ, có thái độ kiên quyết, không để con em mình vi phạm, trong đó có việc đi xe đạp điện, xe máy điện, xe máy trái Luật. Cũng xin đừng dung túng dẫn đến vô tình làm hình thành nơi con em chúng ta thói quen coi thường luật pháp mà người chịu tác hại trước tiên chính là các em.