Trong đó, đáng chú ý, về kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND TP trong cung cấp nước sạch trên địa bàn TP, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân khẳng định: Việc đầu tư cho hệ thống nước sạch cung cấp cho người dân trên địa bàn TP trong giai đoạn 2016 - 2020 được lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP rất quan tâm, trong đó phấn đấu tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch tại khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 50%. UBND TP đã trình HĐND TP ban hành Nghị quyết năm 2016; sau đó HĐND TP tổ chức triển khai, giao các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển nguồn, phát triển mạng lưới cấp nước. Đến thời điểm này, tỷ lệ này đã đạt 78% (trong năm nay tốc độ chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Con số này đã đạt nếu so sánh với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ TP khóa XVI nhưng chưa đạt nếu so với Nghị quyết HĐND TP, nên trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, TP đã đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm đạt 85%.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân trả lời các câu hỏi tại buổi Họp báo |
“Để đạt chỉ tiêu này, TP đề ra nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có đẩy nhanh các dự án đã phê duyệt. Về phát triển nguồn nước, hiện các dự án trên địa bàn đã đạt 1,7 triệu m3/ngày-đêm, song trong đó 2 dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đà đều đang trong tình trạng bị chậm tiến độ (dự án Nhà máy nước mặt sông Đà được giao hoàn thành trong giai đoạn 2015-2020 nhưng hiện nay vẫn đang trong quá trình triển khai thi công các đường ống). Do đó, UBND TP đã và đang quyết liệt yêu cầu các chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tến độ. Sau Kỳ họp thứ 18 HĐND TP, Ban Đô thị cùng các ban của HĐND TP sẽ triển khai tái giám sát kết quả cung cấp nước sạch tại khu vực nông thôn, trong đó có cả giám sát việc thực hiện các dự án phát triển nguồn và phát triển nước mặt; sau giám sát sẽ thông tin đầy đủ.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Quân, tại Kỳ họp này, HĐND TP sẽ dành 1 ngày thực hiện chất vấn trực tiếp tại hội tường về 2 vấn đề: Kết quả thực hiện công tác quản lý cát sỏi lòng sống vàviệc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của TP. Qua giám sát của HĐND TP vừa qua cho thấy, công tác quản lý cát sỏi những năm qua rất được quan tâm, đạt kết quả rõ nét, tuy nhiên tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông cũng như quản lý trung chuyển vật liệu xây dựng tại một số địa phương của TP còn nhiều hạn chế, rất cần được nêu ra tại Kỳ họp để có giải pháp giải quyết hiệu quả. Đây thực tế là vấn đề rất được cử tri quan tâm thời gian qua. Cùng đó, về việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử, không phải đến giờ HĐND TP mới tiến hành chất vấn, song qua quá trình theo dõi giám sát của HĐND TP và các ban còn thấy tiếp tục có những vấn đề cần được tăng cường. Những bất cập trong thực hiện 2 bộ quy tắc này sẽ được các đại biểu HĐND TP nêu rõ tại Kỳ họp để đại diện UBND TP và các sở, ngành có báo cáo giải trình rõ hơn. Ngoài chất vấn trực tiếp tại hội trường, Thường trực HĐND TP đã gửi văn bản, còn rất nhiều nội dung được quan tâm, đã được các đại biểu từ các địa phương đã gửi chất vất bằng văn bản, như lĩnh vực đô thị, các vấn đề bức xúc dân sinh…
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Bình cung cấp một số thông tin về lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Thành phố |
Cũng tại Họp báo, trả lời câu hỏi liên quan lĩnh vực giáo dục đào tạo, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình cho hay, TP luôn coi trọng công tác giáo dục đào tạo, thời gian qua luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17 cũng xác định là công tác này 1 trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 16 đặt mục tiêu sẽ đạt 65-70% trường công lập trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia, đến nay tỷ lệ này đã đạt 72,1%, vượt chỉ tiêu đề ra. Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 17 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa con số này đạt 80-85%, thể hiện quyết tâm của TP tạo môi trường học tập tốt nhất cho người dân Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội và các ban của HĐND TP cho thấy, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu nhiều nội dung đầu tư cho các trường học, từ đó rất nhiều trường trên địa bàn TP đã được đầu tư rất khang trang hiện đại. Về xã hội hóa giáo dục, thực hiện giải pháp chuyển một số trường công sang mô hình tự chủ, TP và nhiều địa phương khác đang thí điểm thực hiện. Xây dựng các trường chất lượng cao là một đặc điểm đặc thù của Hà Nội, đã được HĐND TP ban hành nghị quyết quy định các cơ chế, từ đó UBND TP đã ban hành các quy định để cụ thể hóa 4 tiêu chí về trường chất lượng cao (cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình giảng dạy, dịch vụ giáo dục), được quy định ở tiêu chuẩn cao so với giáo dục đại trà, là giải pháp rất thiết thực để thực hiện mục tiêu xã hội hóa. Hiện trên địa bàn TP thực hiện mô hình này đến nay có 20 trường chất lượng cao đã được công nhận, trong đó 15 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. 15 trường công lập đang hoạt động rất tốt, hằng năm duy trì và tăng số học sinh đăng ký theo học, trong đó TP có quy định mức trần học phí để các trường căn cứ vào thực hiện (khác với trường ngoài công lập là hoàn toàn tự nguyện theo thỏa thuận).