Hé lộ kế hoạch B giúp Trung Quốc giải nguy tại Biển Đỏ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia gợi ý Trung Quốc nên sử dụng đường sắt và đường hàng không để duy trì mối liên kết thương mại với châu Âu.

Giá vận chuyển giữa châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tăng cao khi căng thẳng tại Biển Đỏ chưa thể chấm dứt, đè nặng lên triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Bắc Kinh và buộc các công ty nước này phải tìm kiếm kế hoạch dự phòng để củng cố chuỗi cung ứng trước dịp Tết Nguyên Đán.

Theo Container xChange, một nền tảng trực tuyến liên quan đến lĩnh vực logistics tại Đức, giá cước vận chuyển trung bình trong tuần thứ hai của tháng 1 vào khoảng 5.400 USD đối với một container 40 feed, tăng từ mức 1.500 USD một tuần trước đó.

Căng thẳng tại Biển Đỏ đang ảnh hưởng đáng kể thương mại của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Căng thẳng tại Biển Đỏ đang ảnh hưởng đáng kể thương mại của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Kênh đào Suez đang là một trong những tuyến đường vận chuyển bận rộn nhất trên thế giới, với việc chiếm đến 1/3 lưu lượng container toàn cầu và 40% thương mại giữa châu Á và châu Âu, đồng thời giúp Trung Quốc kết nối với Ai Cập và Trung Đông.

Trong bối cảnh phiến quân Houthi liên tục thực hiện các cuộc tấn công vào tuyến đường quan trọng này, một số công ty đã buộc phải chuyển hướng sang tuyến đường quanh Mũi Hảo Vọng dài hơn, khiến chi phí vận chuyển gia tăng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Pan Quang, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết căng thẳng tại Biển Đỏ làm gia tăng rủi ro cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

“Tuyến đường vận chuyển trên Biển Đỏ rất quan trọng đối với các sáng kiến thuộc dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc” – Ông cho biết.

Trung Quốc đang kêu gọi nỗ lực nhằm khôi phục và đảm bảo an ninh cho các tuyến đường vận chuyển tại Biển Đỏ, hạn chế sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo trật tự thương mại quốc tế.

Ulf Bergman, nhà kinh tế cấp cao của công ty Shipfix có trụ sở tại London, đã gợi ý về việc sử dụng đường sắt và đường hàng không như những lựa chọn thay thế khi nhu cầu container tại Trung Quốc ngày càng tăng trước dịp Tết Nguyên Đán. Chuyên gia này cũng nhận định rằng hai sự lựa chọn trên sẽ phù hợp với những hàng hóa có giá trị cao.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết xung đột Ukraine có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu, đặc biệt là tuyến đường sắt qua Nga.

Theo Allianz Trade, tính đến năm 2022, gần 75% khối lượng thương mại trên toàn khu vực, ngoại trừ Liên minh châu Âu, được vận chuyển bằng đường biển, trong khi đường sắt chỉ chiếm 3,4% và đường hàng không là 0,4%.

Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao về châu Á-Thái Bình Dương tại Allianz Trade cho biết những lựa chọn khác khó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt lượng hàng hóa khổng lồ khi vận tải biển bị gián đoạn.

“Mặc dù những số liệu trong thời kỳ đại dịch Covid-19 cho thấy đường sắt là lựa chọn khả thi để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc-châu Âu, xung đột Ukraine đang gia tăng rủi ro đối với tuyến đường sắt đi qua Nga” – Chuyên gia này nhận định.

Theo các nhà phân tích, đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng tại Biển Đỏ đang gây ra những cú sốc lớn đối với thương mại toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và buộc các công ty phải tập trung vào phương án giảm thiểu rủi ro.

Catherine Chien, nhân viên của công ty Dimerco Express Group có trụ sở tại Đài Bắc (Trung Quốc), cho biết: “Khách hàng của chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp dự phòng như vận chuyển đường sắt và đường hàng không đến châu Âu”.

“Thậm chí, họ còn chấp nhận thời gian vận chuyển kéo dài khi chuyển hướng sang Mũi Hảo Vọng” – Cô cho biết.

Theo công ty này, việc chuyển hướng sang Mũi Hảo Vọng tại cực Nam châu Phi sẽ kéo dài thêm từ 10-14 ngày đối với các tuyến châu Á-châu Âu và châu Á-bờ biển phía Đông nước Mỹ, tăng thêm 15-19 ngày đối với tuyến châu Á-Địa Trung Hải.

Nick Marro, chuyên gia thương mại tại The Economist Intelligence Unit, cho biết: “Bất chấp những bất ổn hiện tại, khó có khả năng chi phí vận tải sẽ quay trở lại mức cao như trong giai đoạn 2021-2022, thời điểm chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng”.