Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam thời Pháp thuộc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dười thời Pháp thuộc, hệ thống ngân hàng là công cụ kiểm soát nền tài chính, tiền tệ và hỗ trợ cho công cuộc khai khác thuộc địa của chính quyền thực dân. Trong đó, Ngân hàng Đông Dương là trụ cột và nắm giữ vai trò chỉ huy nền kinh tế.

Sự hình thành hệ thống ngân hàng ở Việt Nam thời Pháp thuộc

Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây và tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam Kỳ).

Ngay từ lúc này người Pháp đã bắt đầu quá trình đầu tư và khai thác các lợi nhuận kinh tế ở Nam Kỳ. Cảng Sài Gòn được xây dựng với quy mô lớn để trở thành cửa khẩu của cả vùng; Việc buôn bán bắt đầu nhộn nhịp, đặc biệt là xuất khẩu lúa gạo.

Ngân hàng Nhà nước ở TP Nam Định thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Ngân hàng Nhà nước ở TP Nam Định thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 - 1883, người Pháp chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam. Năm 1884, với Hiệp ước Patenotre, toàn cõi Việt Nam chính thức nằm dưới sự cai trị của chính quyền thực dân.

Ngày 17/10/1887, Liên bang Đông Dương chính thức thành lập gồm Nam Kỳ (Cochinchine), Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (Annam), và Cao Miên; năm 1893 thêm Lào và năm 1900 sáp nhập thêm Quảng Châu Loan.

Từ đây, người Pháp tăng cường công cuộc khai thác thuộc địa với kế hoạch nổi tiếng của Toàn quyền Paudumer (1897 - 1902). Chính quyền thực dân và tư bản Pháp đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị…; lập nhiều nhà máy, đồn điền, tổ chức khai thác nhiều mỏ khoáng sản, hoạt động thương mại ngày càng lớn… Điều này đòi hỏi sự luân chuyển lượng tiền tệ rất lớn. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã lập các ngân hàng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế ngày càng mở rộng.

Lúc đầu có 2 ngân hàng được thành lập, trụ sở chính ở Paris, đó là: Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine - BIC) và Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque Franco - Chinoise).

BIC được thành lập theo Sắc lệnh ngày 21/1/1875 của Tổng thống Cộng hòa Pháp Patrice de Mac-Mahon với “sứ mệnh” là một ngân hàng độc quyền phát hành giấy bạc tại các xứ thuộc Đông Dương, các thuộc địa của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương và các tỉnh Ấn Độ thuộc Pháp.

Trụ sở chính của BIC đặt tại Paris, trước tiên, mở 2 chi nhánh ở Sài Gòn và Pondichéry (thuộc Ấn Độ). Theo điều lệ, “sau đó, căn cứ nghị quyết của Hội đồng Quản trị được Bộ Thuộc địa thông qua, Ngân hàng có thể mở chi nhánh tại một địa điểm bất kỳ ở Viễn Đông và quản lý theo luật của nước Pháp. Ngoài ra, Ngân hàng có thể mở chi nhánh tại các bến cảng của Trung Hoa, Nhật Bản và Đông Ấn”.

Ngân hàng Pháp - Hoa được thành lập với mục đích hỗ trợ thương mại giữa Pháp, Đông Dương, Trung Hoa và một số nước nước châu Á khác như Nhật, Thái Lan…

Ngoài hai ngân hàng trên, các nước khác có quyền lợi kinh tế trong vùng cũng thiết lập ngân hàng ở Việt Nam như The Chart Bank, The Hongkong and Shanghai banking của Anh, Trung Quốc ngân hàng và Giao thông ngân hàng của Trung Quốc.

Từ cuối thế kỷ XIX đến 3 thập niên đầu thế kỷ XX, các hoạt động ngân hàng đều ở trong tay người nước ngoài. Mãi đến năm 1927, một số tư bản người Việt Nam mới thành lập một ngân hàng lấy tên là An Nam ngân hàng (sau đổi tên là Việt Nam ngân hàng) với vốn hoàn toàn của người Việt, chủ yếu hỗ trợ cho các hoạt động nông nghiệp. Cho đến năm 1954, người Việt Nam có ngân hàng thứ hai là Việt Nam công thương ngân hàng.


Vai trò và sự phát triển của Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam

BIC là công cụ phát triển kinh tế và làm giàu của tư bản và chính quyền thuộc địa Pháp. BIC có nhiều đặc quyền, đặc biệt là quyền phát hành đồng bạc Đông Dương với nhiều lần gia hạn bằng các sắc lệnh của Chính phủ Pháp. Đặc quyền này mặc nhiên là quyền lợi lớn của BIC.

Được chính quyền Pháp bảo trợ, BIC chiếm lĩnh địa bàn hoạt động lớn trên tất cả các lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hoạt động của BIC đa dạng về tính chất, bao gồm: Ngân hàng phát hành; ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư.

Ngoài đặc quyền phát hành tiền, BIC còn làm giàu bằng cho vay và chiết khấu thương phiếu, hối đoái, cầm cố, buôn bán kim loại quý, mở các tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng thương mại, đầu tư và cho vay nông nghiệp…

Có thể khẳng định rằng BIC có vai trò quan trọng đối với việc phát triển thuộc địa. Trước tiên là xóa bỏ thói quen bảo thủ giao dịch bằng tiền kim loại của người bản xứ, khiến họ chấp nhận giấy bạc ngân hàng.

Quan trọng nhất, BIC là động lực của nền kinh tế Đông Dương, có vai trò chỉ huy nền kinh tế, cho phép Đông Dương phát triển kinh tế; là nhân tố trung tâm của quá trình đẩy mạnh chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam; là nhà quản lý sự nghiệp bành trướng của Pháp ở Viễn Đông thông qua việc bảo lãnh cho các DN Pháp ở Trung Quốc, Hongkong, Thái Lan và Singapore.

BIC ưu tiên cấp vốn cho các công ty thương mại lớn đồng thời là một nhà khởi xướng ấn tượng như thành lập Địa ốc ngân hàng Đông Dương và Nhà máy tinh luyện Đông Dương, Công ty Nghiên cứu canh tác cây bông, Công ty Hằng hải Đông Dương... Tuy nhiên, BIC ưu tiên cấp vốn cho DN thương mại quốc tế, bỏ qua DN thương mại địa phương.

Lúc mới thành lập, BIC chỉ mở hai chi nhánh ở thuộc địa Sài Gòn và Pondichéry (Ấn Độ thuộc Pháp) nhưng do liên tục làm ăn có lãi cộng với việc tài trợ tài chính cho Chính phủ Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Kỳ lần thứ 2 (1882 - 1883) và góp công lớn trong việc khuếch trương nền công nghiệp Pháp ở vùng Viễn Đông nên liên tục được Chính phủ Pháp gia hạn quyền phát hành đồng bạc Đông Dương vào các năm 1888, 1900 và 1931. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn vốn điều lệ của Ngân hàng Đông Dương đã liên tục được điều chỉnh nhằm kịp thời đáp ứng với quy mô kinh doanh ngày càng mở rộng.

Niên biểu “Répertoire des principales valeurs Indochinoises” cho biết: Lúc ban đầu (năm 1875) vốn điều lệ của Ngân hàng Đông Dương chỉ có 8.000.000 franc (sắc lệnh ngày 21/01/1875); năm 1888 tăng lên: 12.000.000 franc (sắc lệnh ngày 20/02/1888);... đến năm 1954: 2.000.000.000 franc.

Với sự gia tăng nhanh chóng của vốn điều lệ đã giúp cho mạng lưới các chi nhánh ngân hàng không ngừng được mở rộng. Ngoài hai chi nhánh Sài Gòn (1875) và Pondichéry (1876), BIC còn có thêm các chi nhánh khác nữa:

Tại Đông Dương có Chi nhánh Hải Phòng (1885); Chi nhánh Hà Nội (1886); Chi nhánh Đà Nẵng(1891); Chi nhánh Nam Định (1926); Chi nhánh Cần Thơ (1926); Chi nhánh Vinh (1927); Chi nhánh Quy Nhơn (1928); Chi nhánh Huế (1929); Chi nhánh Đà Lạt (1943); Chi nhánh Phnôm Pênh (1890) và Chi nhánh Battambang.

Ngoài Đông Dương có: Chi nhánh Nouméa (1888); Chi nhánh Hongkong (1894); Chi nhánh Thượng Hải (1898); Chi nhánh Quảng Đông (1902); Chi nhánh Hán Khẩu (1902); Chi nhánh Singapore (1905); Chi nhánh Papeete Nam Mỹ (1905); Chi nhánh Bắc Kinh (1907); Chi nhánh Thiên Tân (1907); Chi nhánh Vân Nam (1920); Chi nhánh London (1940); Chi nhánh Tokyo (1942); Chi nhánh Marseille; Chi nhánh Bordeaux; Chi nhánh Djibouti; Chi nhánh Bangkok; Chi nhánh Quảng Châu; Chi nhánh Mông Tự; Chi nhánh Quảng Châu Loan; Chi nhánh San Francisco; 2 chi nhánh ở Ethiopie và Chi nhánh ở Djeddah (Arabie Seoudite).

Mạng lưới các chi nhánh trên đã giúp cho việc kinh doanh của BIC không ngừng phát đạt. Trong khoảng thời gian (1876 - 1954), BIC đã thu về số tiền lãi khổng lồ, từng bước trở thành trung tâm tài chính hàng đầu của tư bản Pháp ở Đông Dương và vùng Viễn Đông. Lợi nhuận của BIC năm 1876: 125.000 franc; Năm 1900: 1.134.000 franc; năm 1928: 56.000.000 franc; năm 1939: 111.371.000 franc; năm 1954: 638.000.000 francs.

Tuy vậy, vì các biến động chính trị, sau năm 1953, BIC chấm dứt hoạt động ở Việt Nam. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miên, Lào (Institut d'Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) kể từ năm 1951 rồi giao lại cho Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tức ngân hàng T.Ư của Việt Nam Cộng hòa vào năm 1955. Phần thương vụ thì chia cho Ngân hàng Việt Nam Thương tín (thành lập năm 1956) và hậu thân của BIC là Ngân hàng Pháp Á.

Năm 1958, BIC tái hoạt động Á Châu; năm 1975 thì nhập với Banque de Suez et de L'Union des Mines với tên mới: Banque Indosuez và đến năm 2001 thì nhập vào Alliance Banking Group, hoạt động chính ở Malaysia.

Không thể nghi ngờ, BIC đã góp phần quan trọng đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam cho đến tận ngày nay.

 

Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine - BIC) là động lực của nền kinh tế Đông Dương, có vai trò chỉ huy nền kinh tế, cho phép Đông Dương phát triển kinh tế; là nhân tố trung tâm của quá trình đẩy mạnh chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam; là nhà quản lý sự nghiệp bành trướng của Pháp ở Viễn Đông thông qua việc bảo lãnh cho các DN Pháp ở Trung Quốc, Hongkong, Thái Lan và Singapore.