Hiện thực hóa các cam kết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công bố mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, Hà Nội vươn lên thứ hai cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 với kết quả ấn tượng 85,46/100 điểm, trong đó lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt cao nhất, 96,21/100 điểm.

Giảm nhiều thời gian, chi phí

Trưởng Phòng CCHC - Sở Nội vụ Hà Nội Phạm Tuấn Anh đánh giá: Cam kết mạnh mẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN thể hiện rõ ở việc TP thường xuyên rà soát, chỉ đạo các đơn vị kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định, TTHC, đơn giản hóa thành phần hồ sơ hoặc bãi bỏ TTHC gây phiền hà, nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN, nhất là TTHC liên quan đến đầu tư. Hà Nội cũng là điểm sáng của cả nước trong đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT với mục tiêu đến 2020 đạt 100% TTHC thực hiện ở mức 3, 4, hướng tới xây dựng TP thông minh; coi trọng vấn đề ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
 Giải quyết thủ tục hành chính tại sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thanh Hải
Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, mỗi năm, TP ban hành hàng chục quyết định công bố TTHC, với tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn luôn đạt trên 97%. Riêng năm 2017, UBND TP thực hiện ủy quyền một số sở, ngành giải quyết TTHC ở các lĩnh vực quản lý KCN&CX, công thương, TN&MT, LĐTB&XH… Trong hàng loạt nỗ lực, không thể không kể đến những cải cách thủ tục đăng ký thành lập DN: Từ năm 2017 đến nay, TP tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đăng ký thành lập mới DN qua mạng chỉ trong 2 ngày làm việc (rút một ngày so với Luật DN) và trả kết quả chỉ sau 2 giờ kể từ khi nhận hồ sơ giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh; hướng dẫn DN ghép thủ tục công bố thông tin DN ngay khi thực hiện thành lập mới hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh. Trong quản lý đất đai, TP đã chỉ đạo rà soát cải cách quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC liên quan đến thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) còn 12 ngày; giảm thời gian cấp GCN QSDĐ từ 30 ngày còn 14 ngày. Hàng tuần, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP đều họp để quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư có SDĐ, giảm đáng kể thời gian thực hiện thủ tục. Ngoài ra, TP cũng chỉ đạo các đơn vị tích cực tạo điều kiện cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận vốn…

Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Trịnh Thị Ngân: Cấp cơ sở cần chuyển biến mạnh hơn về tính năng động của chính quyền

Gần đây, các sở, ngành TP có nhiều chuyển biến trong TTHC cho DN, góp phần đưa Hà Nội vào top đầu về cải cách TTHC, dịch vụ hỗ trợ DN. Chính các DN cũng nhận thấy chuyển biến rõ nét về thái độ phục vụ của các CBCC. Trong đó, ngành công thương có nhiều đổi mới tạo thuận lợi cho DN, ngành ngân hàng gỡ nhiều thủ tục cho DN vay vốn, việc cấp GCN QSDĐ cũng được cải thiện... Đặc biệt, ngành thuế, hải quan có nhiều cải cách TTHC, giảm thời gian cho DN, được DN đánh giá cao về sự đổi mới tích cực.

Tuy nhiên, qua phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, tôi cho rằng, việc tiếp cận đất đai của DN tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, có DN xin cấp “sổ đỏ” còn chậm, phải chịu chi phí không chính thức. Nhất là về tính năng động của chính quyền, ở cấp TP chuyển biến tốt, song ở cấp cơ sở vẫn chậm.

Đáng chú ý, để đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN, tháng 6/2017, UBND TP đã thành lập riêng một tổ công tác liên ngành TP giải quyết nhanh thủ tục chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư nghiên cứu lập dự án, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết vướng mắc liên quan đến một số loại dự án. Tổ gồm đại diện Văn phòng UBND TP và 6 sở (KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, QHKT, GTVT, Tài chính), giúp việc giải quyết TTHC ngày càng nhanh, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ đầu tư, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết TTHC. Tăng cường đối thoại, đồng hành với DN, riêng năm qua, TP đã chấp thuận đầu tư trên 160 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách với vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng, cấp đăng ký cho hơn 2,5 vạn DN, tăng 11%… Đặc biệt, tích cực thực hiện một cửa, một cửa liên thông, ngày 7/5/2018 vừa qua, TP đã chính thức ban hành Quy định áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các ĐVSNCL, DN, HTX tại TP.

Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng khẳng định: Từ năm 2017 đến nay, công tác cải cách TTHC cho DN tiếp tục có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH Thủ đô và cả nước. Đáng kể đến nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của TP đang là kênh hiệu quả tiếp nhận ý kiến về giải quyết TTHC; TP có 556/1.859 TTHC được thực hiện DVCTT mức 3, 4. Phát huy kết quả đã đạt được, Hà Nội chọn chủ đề công tác năm 2018 là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” xác định một mục tiêu quan trọng chính là tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả, trong đó lấy sự hài lòng của DN, người dân là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của chính quyền từ TP đến cơ sở.

Tuy nhiên, theo UBND TP, dù Chỉ số CCHC của TP xếp thứ hạng rất cao, phản ánh nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, với nhiều sáng kiến cải cách TTHC phục vụ DN, song thực tế vẫn còn một số tiêu chí thành phần chưa đạt kết quả cao hoặc chưa thực hiện đúng yêu cầu của T.Ư; một số nội dung tuy cải thiện nhưng đứng trên bình diện chung cả nước thì kết quả còn thấp. Vì vậy, để nâng cao Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính đối với DN, người dân những năm tiếp theo, UBND TP yêu cầu các cấp, ngành chú trọng duy trì, cải thiện những nội dung của Chỉ số hài lòng đạt được chỉ số thành phần cao và tổ chức quán triệt ngay nội dung kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng năm 2017 để sớm có giải pháp khắc phục những lĩnh vực còn hạn chế. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền tăng ủng hộ của người dân, DN về công tác CCHC, sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trong cung cấp DVC; bố trí đủ nhân lực, kinh phí cho CCHC; thường xuyên đôn đốc các nhiệm vụ được TP giao đảm bảo hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ. Cùng với đó, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ CBCCVC, đặc biệt CCVC trực tiếp tiếp nhận giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính và ĐVSNCL; cải thiện chất lượng cung cấp DVCTT mức 3, 4 và các dịch vụ thiết yếu cơ bản... Một mục tiêu quan trọng được đặt ra là 100% hồ sơ hành chính phải được giải quyết đúng hạn tại mọi cơ quan, tổ chức hành chính thuộc TP.

 Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình: Kiểm soát chặt chẽ để trên “nóng” dưới cũng “nóng”

TP đã cải thiện nhiều về TTHC cho DN, trong đó lĩnh vực hải quan chuyển biến rõ nét. Song, tôi cảm nhận nhiều cam kết của TP với DN chưa được thực thi tại cơ sở. Cụ thể, Dệt 10/10 qua một năm chưa được hoàn thuế xong, trong khi ở các bộ phận nghiệp vụ nói không vướng mắc gì thì bộ phận thanh tra lại bảo “có vấn đề”, sự giải thích của cơ quan chuyên ngành rất chậm, khiến DN đến nay mới được hoàn hơn 9 tỷ trong số 120 tỷ đồng. Những điều tương tự như vậy cho thấy, cấp TP có chuyển biến tích cực về chính sách nhưng ở một số bộ phận trực tiếp tiếp nhận giải quyết TTHC cho DN chưa có sự cải thiện đáng kể. Thậm chí, các thủ tục kiểm soát mang tính chuyên ngành phức tạp hơn trước, như gần đây, cơ quan chuyên ngành yêu cầu DN phải đạt tiêu chuẩn “nhà ăn y tế”, có riêng hệ thống xử lý nước thải. Mặc dù yêu cầu này là cần thiết song DN không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều.

Rõ ràng, “trên” đã “nóng” nhưng “dưới” chưa phải chỗ nào cũng “nóng”. Nên, DN mong có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn để chỉ đạo của TP được thực thi tại cơ sở, nhằm cải cách đồng bộ từ trên xuống dưới, chính sách đi vào cuộc sống, giúp DN vượt thách thức, có môi trường SXKD tốt hơn.