Hiểu đúng về không gian xanh trong thành phố

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cây xanh và thực vật đô thị nói chung không phải là không gian trang trí hay bóng râm che nắng đơn thuần. Đó là cơ sở hạ tầng cơ bản như bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác của TP.

Những con số “biết nói”

Các chuyên gia về môi trường đã nhiều lần cảnh báo chống lại một quan niệm phổ biến rằng rừng là “lá phổi của hành tinh”. Bởi trên thực tế, các hệ sinh thái tự nhiên tiêu thụ lượng oxy nhiều như chúng tạo ra, vì vậy sản lượng ròng của chúng gần như bằng 0. Con người hiện hít thở khí oxy thừa hưởng từ lịch sử cổ đại của Trái đất. Do đó, việc trồng cây đơn thuần được tin sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề biến đổi khí hậu.

Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt Giải Vàng hạng mục Kiến trúc Công cộng với không gian xanh. Ảnh: Phạm Hùng 
Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt Giải Vàng hạng mục Kiến trúc Công cộng với không gian xanh. Ảnh: Phạm Hùng 

Tuy nhiên, có một nơi mà việc trồng cây xanh lại đóng vai trò và ý nghĩa đặc biệt với môi trường hơn cả, chính là ở các TP. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, một cây lớn được trồng ở TP có lợi gấp 10 - 20 lần so với ở nông thôn.

Dân số đô thị của hành tinh đang tăng đều đặn, được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi từ 3 tỷ người lên 6,4 tỷ người trong giai đoạn năm 2000 - 2050. Đến năm 2030, quy mô đô thị trên các điểm nóng đa dạng sinh học sẽ tăng 200%. Do đó, nếu các TP trong tương lai muốn là nơi con người có thể sống, thì thiên nhiên phải có chỗ để phát triển.

Đó là lý do mà nhiều chính phủ các quốc gia đang thúc đẩy mạnh mẽ việc làm cho các TP trở nên xanh hơn. Nhiều nhà lãnh đạo TP cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến quốc tế, khi tính đến năm 2021, tổng cộng 31 TP lớn trên thế giới đã ký một thỏa thuận nhằm đảm bảo 30 - 40% bề mặt địa phương mình được bao phủ bởi không gian xanh.

Ưu điểm của việc có không gian xanh trong TP không chỉ nằm ở sự hưởng thụ, thư giãn hoặc tính thẩm mỹ đơn thuần. Những lợi ích mà cây xanh mang lại được chỉ ra có thể giúp các TP và quốc gia đáp ứng 15/17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc được quốc tế hỗ trợ.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã tóm tắt 5 lợi ích chính về môi trường, xã hội, kinh tế, đa dạng sinh học và sức khỏe của các TP xanh. Đầu tiên là việc kiểm soát khí hậu tự nhiên. Các khu vực xây dựng hình thành các đảo nhiệt đô thị - nơi nhiệt độ trung bình ở các TP lớn có thể cao hơn 30C so với các vùng nông thôn và thậm chí có thể nóng hơn 120C vào buổi tối.

Cây xanh không chỉ cho bóng mát mà còn làm mát không khí do thoát hơi nước. Nói cách khác, chúng cho phép các TP “đổ mồ hôi” - một hiệu ứng vi khí hậu có thể làm mát tới 100C.

Điều này cũng sẽ giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng của hệ thống điều hòa không khí - công cụ mà tại một số khu vực có thể ngốn tới 70% nhu cầu điện sinh hoạt trong những tháng nóng nhất. WEF tính toán, 1 cây xanh duy nhất có thể cắt giảm 3% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình trong vòng 5 năm kể từ khi trồng, và 12% trong vòng 15 năm. Trên phạm vi toàn cầu, điều này thể hiện việc tiết kiệm điện với tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu rất lớn.

Thứ hai là về khả năng lưu trữcarbon: Cây xanh có thể cô lập từ 1 - 22 tấn CO2 trong suốt vòng đời của chúng. Thứ ba, chúng làm giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước. Một nghiên cứu ở Philadelphia (Mỹ) đã chỉ ra rằng việc tăng độ che phủ của cây xanh lên 30% có thể ngăn ngừa tới 400 ca tử vong mỗi năm do chất lượng không khí kém. Cây hấp thụ các chất ô nhiễm dạng khí như Ozon, NO2 và SO2, cũng như chặn các hạt bụi mịn.

Sáng tạo giải pháp phù hợp dựa trên khoa học

Bất chấp tất cả những điều trên, WEF cảnh báo rằng diện tích rừng ở các TP đã giảm 40.000ha mỗi năm trên toàn cầu trong vòng 5 năm qua, dưới áp lực của cơ sở hạ tầng đô thị. WEF và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng vấn đề là cây cối và không gian xanh đô thị đang bị coi là những thứ xa xỉ hoặc tiện nghi hiếm có để hấp dẫn người mua bất động sản, thay vì là một không gian hiển nhiên phải có của TP.

Một góc khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Một góc khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Và chính theo quan điểm này, thiên nhiên giữa đường nhựa, sự yên tĩnh giữa nhịp sống hối hả của TP tưởng như luôn được đảm bảo tại các khu dân cư đắt đỏ, hiện đại, trong khi thực tế là độ che phủ của cây cối ở như nơi này được cho có thể thấp hơn 30% so với các khu dân cư nghèo.

Quan điểm cổ điển này đang dần thay đổi đáng kể. Theo chuyên gia sinh học thực vật và sinh thái đô thị Karen Christensen-Dalsgaard, những năm 1990 chứng kiến bước khởi đầu của một sự thay đổi hệ sinh thái của TP là một khối hoạt động chặt chẽ.

Sự thay đổi trong cách tiếp cận này đồng nghĩa với việc cây xanh và thực vật đô thị nói chung không còn là không gian trang trí hay bóng râm che nắng đơn thuần, mà phải là cơ sở hạ tầng cơ bản như bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác của TP, được kết nối với nhau và được quy hoạch theo cách tiếp cận đa ngành, tích hợp khoa học thực vật và sinh thái học vào quy hoạch đô thị. Qua đó để không gian xanh là khả thi và đáp ứng “các chức năng cụ thể giúp cải thiện tính bền vững của cuộc sống đô thị, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững hơn”.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nhiều không gian xanh của các TP thất bại vì các tiêu chí kể trên đã không được tính đến. Việc trồng cây được thực hiện theo ý thích thẩm mỹ và sử dụng các phương pháp không phù hợp.

Theo một đánh giá của Đại học Aberystwyth (Vương quốc Anh), “nhiều giải pháp được thiết kế khéo léo mà không xem xét đầy đủ đặc tính sinh học của thảm thực vật được sử dụng”. Hay như bình luận của kiến trúc sư cảnh quan nổi tiếng người Mỹ Henry Arnold: “Cây cối vốn không được coi trọng như các tiện ích, đường phố và chiều cao của một tòa nhà”.

Ông Arnold cũng lưu ý, không phải mọi loại cây đều tốt cho TP, mà phải xem xét loài nào và cách kết hợp ra sao thì phù hợp với đặc điểm địa lý của từng nơi. Chẳng hạn thay vì trồng cây giàn trải, việc tạo thảm thực vật không bị gián đoạn được cho là lý tưởng nhất.

Thảm cỏ phổ biến lúc này có thể mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng thực tế chúng lại trở nên nóng hơn so với thảm cây bụi hoặc hoa, và những bãi cỏ này cũng ẩn chứa nhiều loại côn trùng hơn.

Như PGS Diêu Châu tại Khoa Khoa học Địa chất & Khí quyển, Đại học Iowa (Mỹ) đã chỉ ra, việc đảm bảo sự thành công của không gian xanh cũng phải tính đến hiện tượng học của thực vật, tức là “nhịp điệu theo mùa của chúng, bị thay đổi bởi môi trường đô thị”.

Thế giới cũng đã chứng kiến không ít những giải pháp sáng tạo trong quản lý không gian xanh: Tại một công viên ở TP Edmonton của Canada, người ta đã thí điểm giao nhiệm vụ làm cỏ cho một đàn dê thay vì bất cứ máy móc ngốn năng lượng nào khác.

Tóm lại, không có cách tiếp cận nào là “mẫu số chung” cho tất cả các TP hay mọi không gian. Đây sẽ là nhiệm vụ sáng tạo của từng chính quyền nhằm thúc đẩy các giải pháp phù hợp dựa trên khoa học, để biến các TP của tương lai sẽ là nơi mọi người muốn sống, thay vì là nơi họ buộc phải tồn tại.