Hiệu quả mô hình cơ quan điện tử ở Tây Hồ

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công (DVC), mang lại sự hài lòng cho người dân.

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính (CCHC) quận Tây Hồ đang thực hiện.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Là một trong những đơn vị sớm thí điểm triển khai mô hình cơ quan điện tử, quận Tây Hồ được đánh giá triển khai rất tốt việc ứng dụng CNTT trong CCHC. Từ tháng 10/2016 đến nay, hệ thống DVC trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 đã được quận và 8 phường triển khai đồng bộ. Với 6 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực tư pháp hộ tịch tại phường và 10 TTHC tại quận, hiện 100% thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch cấp phường, cấp quận đều được thực hiện trực tuyến qua mạng. Kết quả giải quyết TTHC đúng hạn cũng đạt tỷ lệ cao với 100% tại cấp quận và phường.
 Hướng dẫn làm TTHC tại bộ phận một cửa UBND quận Tây Hồ.

Thực tế tại Tây Hồ cho thấy, việc ứng dụng CNTT đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác CCHC, trong giải quyết TTHC và cũng cho phép người dân tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ hành chính tại các phòng chuyên môn. “Chúng tôi công khai giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của quận, phường được thực hiện bằng 3 hình thức: Công khai trên màn hình cảm ứng, bằng bản giấy trên hệ thống bảng, biểu và trên cổng thông tin điện tử quận” - Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Bộ phận Một cửa (BPMC) quận Phạm Quang Thắng chia sẻ. Ngoài ra, UBND quận còn chủ động phối hợp với Sở TT&TT, Công ty Nhật Cường và các đơn vị liên quan hoàn thành việc lắp đặt trang thiết bị, cài đặt phần mềm và đường truyền mạng; cấp mỗi phường 3 máy tính để bàn cấu hình cao, chạy phần mềm DVCTT. Triển khai lắp đặt mạng WAN cho 8 phường, tiến hành tách kênh truyền internet, kênh truyền WAN riêng biệt đảm bảo an ninh thông tin.

Cần sự chủ động của người dân

Có thể khẳng định, việc chú trọng triển khai DVCTT từ quận đến phường đã góp phần tăng hiệu quả giải quyết TTHC rất nhiều, mà đối tượng hưởng lợi chính là người dân. Đa số người dân đến làm TTHC đều ghi nhận và cảm thấy hài lòng về DVCTT. Chị Đỗ Thanh Tâm (phường Nhật Tân) cho hay: “Người nhà tôi đi làm TTHC không phải mất quá nhiều thời gian chờ đợi, các TTHC được rút gọn, đơn giản hơn nhiều so với trước và quan trọng là không còn thấy thái độ nhũng nhiễu của cán bộ giải quyết TTHC”.

Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng biết và có thể thực hiện DVCTT ngay tại nhà, đặc biệt là những người lớn tuổi chưa quen với công nghệ. Chị Tâm cho biết: “Với người trẻ thì làm quen rất nhanh, không có gì khó khăn, nhưng đối với những người cao tuổi thì cần phải có sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ”.

Bên cạnh đó, quận Tây Hồ cũng gặp phải các vướng mắc chung khi thực hiện DVCTT như: Tốc độ đường truyền mạng khi sử dụng phần mềm còn chậm; thể thức văn bản chưa phù hợp nhưng hệ thống không cho chỉnh sửa; mẫu văn bản còn chưa đẹp… Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tư pháp tại BPMC quận chia sẻ: “Với DVCTT mức độ 3, chủ yếu hiện nay chúng tôi vẫn phải nhập thông tin hộ người dân và hướng dẫn trực tiếp. Hơn nữa, trong tâm lý của nhiều người vẫn còn lo ngại vì sợ rằng thông tin của họ không được đảm bảo. Mặc dù cán bộ có vất vả hơn một chút, nhưng tôi nghĩ sau này mọi bất cập đều sẽ được khắc phục và người dân sẽ mau chóng quen với DVCTT”.

Ông Thắng cũng cho biết thêm: Để tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, quận đã in 40.000 tờ rơi phát đến từng hộ gia đình và 300 panô treo ở các khu dân cư, nhà sinh hoạt chung của tổ dân phố. Quận cũng tích cực tuyên truyền trên loa truyền thanh phường, cổng thông tin điện tử quận về quy trình thực hiện DVCTT.

UBND quận đang tiến hành lắp đặt các máy tính, máy quét và wifi internet miễn phí tại các tòa nhà chung cư trên địa bàn quận để phục vụ người dân sử dụng các DVCTT TP đạt hiệu quả cao hơn.

Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Bộ phận Một cửa quận Tây Hồ

Phạm Quang Thắng