Hiệu quả từ cơ giới hóa

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp (SXNN) của huyện Phú Xuyên đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thay đổi tư duy sản xuất
Xác định cơ giới hóa trong SXNN có ý nghĩa quyết định đến việc đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất. Huyện đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung… Trên địa bàn huyện đã hình thành mạng lưới các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy nông nghiệp rộng khắp, đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp cho nông dân.

Nông dân Phú Xuyên đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch.  Ảnh: Hữu Hải

(Nguyễn Thị Vàn)
Để khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngoài quy định chung của TP, UBND huyện có cơ chế hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân 40 - 45 triệu đồng/máy. UBND xã hỗ trợ 13 - 15 triệu đồng/máy khi mua máy cấy mới và hỗ trợ kinh phí mua máy gieo mạ khay đối với các HTX có từ 10 máy cấy trở lên là 100 triệu đồng/máy. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông TP, các DN tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức 56 lớp tập huấn cho 33.000 xã viên, cán bộ HTXNN về kỹ thuật làm giá thể, ngâm ủ, gieo mạ khay, kỹ thuật vận hành máy cấy, 3 hội nghị đầu bờ và hội thảo chuyên đề về mạ khay, máy cấy. Đồng thời, tư vấn cho nông dân có nhu cầu chọn lựa mua máy cũng như cách khắc phục sự cố trong quá trình vận hành hay thay thế phụ tùng. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết, toàn huyện hiện có 399 máy làm đất, 148 máy cấy, 40 máy gặt đập liên hợp, 384 máy tuốt lúa… và hàng trăm hộ đầu tư các phương tiện vận tải lớn tham gia tiêu thụ nông sản cho nông dân. Từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ đầu tư cho thực hiện cơ giới hóa trên địa bàn huyện là gần 17 tỷ đồng (ngân sách TP gần 2 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 12 tỷ đồng, ngân sách các xã và HTXNN hơn 3 tỷ đồng).
Giải phóng sức lao động
Thực tế cho thấy, việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ. Mức độ tổn thất sau thu hoạch giảm từ 2 - 3% tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Thọ, Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ Xuân năm 2012 chỉ với 30ha, đến nay, Phú Xuyên đã mở rộng được hơn 1.000ha cánh đồng mẫu lớn trong SXNN ở 28 xã, thị trấn. Điều đó, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa, tăng năng suất hiệu quả kinh tế cao và giải phóng sức lao động cho người dân. “Những năm tới, Phú Xuyên sẽ tiếp tục đầu tư đưa các loại máy công suất lớn vào khâu làm đất. Tiếp đó là thực hiện cơ giới hóa các khâu sau thu hoạch như phơi sấy, bảo quản, tạo sự đồng bộ trong việc thực hiện quy trình cơ giới hóa SXNN” - ông Thọ khẳng định.
Phú Xuyên phấn đấu hoàn thành gieo cấy trong tháng 2
Vụ Xuân năm nay, Phú Xuyên có trên 8.300ha diện tích gieo cấy. Trong đó, diện tích lúa cấy máy khoảng 1.000ha. Cơ cấu giống lúa thuần chiếm 50% diện tích, 35% diện tích là các giống lúa hàng hóa, chất lượng cao, 15% diện tích còn lại là các giống lúa lai.
Tính đến hết ngày 13/2/2017, đã cấy được trên 3.000ha lúa Xuân, đạt gần 40% diện tích. Trong đó, xã Phú Túc đã cấy xong 100% diện tích, các xã Tân Dân, Hoàng Long, Văn Hoàng đã cấy được trên 80% diện tích. Toàn huyện phấn đấu kết thúc cấy lúa vụ Xuân xong trong tháng 2/2017.(Nguyễn Thị Vàn)