Hiệu quả từ “đòn bẩy” dịch vụ công trực tuyến

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 08-CTr/TU về “Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)” được quận Thanh Xuân xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm nay.

Trong đó, chú trọng áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) từ quận đến phường chính là một giải pháp đột phá, góp phần tăng hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Không có hồ sơ trễ hẹn
Với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho DN, người dân, chấp hành nghiêm chỉ đạo của TP, ngay đầu tháng 3/2017, UBND quận đã ban hành văn bản về việc tổ chức làm việc sáng thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Quận và các phường cũng niêm yết tại bộ phận Một cửa (BPMC), công khai tại website quận và 11 phường đầy đủ danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Riêng quý I/2017, tại 11 phường có 140.680 hồ sơ, quận có 10.094 hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết, đều được trả kết quả đúng hạn.

Cán bộ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại khu dân cư điện tử phường Hạ Đình.

Tại phường Kim Giang, cả thời gian, họ tên, chức danh của CBCC thực hiện tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho đến các mức thu phí theo quy định đều được công khai đầy đủ. “Chúng tôi bố trí công chức chuyên trách tại BPMC, giải quyết hồ sơ ngay trong buổi để rút ngắn thời gian đi lại cho công dân; chấp hành nghiêm việc trực, tiếp nhận, giải quyết TTHC sáng thứ Bảy hàng tuần” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Kim Vân chia sẻ. Những giải pháp này góp phần giúp 3 tháng đầu năm, cả 11.812 hồ sơ mà BPMC phường tiếp nhận đều được giải quyết đúng hạn, không có chậm trả, vướng mắc.
Tăng cường dịch vụ công trực tuyến
Cùng với thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, một cửa liên thông, để tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, công dân, quận đã xây dựng thí điểm và đưa vào sử dụng 2 khu dân cư (KDC) điện tử phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, được người dân đánh giá cao. “Đây chính là mô hình rút gọn của một BPMC, để chính quyền gần hơn với công dân. Muốn giải quyết TTHC, trước đây họ phải ra phường, quận thì nay có thể làm ngay tại KDC gần nơi mình ở bất kỳ lúc nào, nhằm hướng tới những công dân điện tử” - Chủ tịch UBND phường Hạ Đình Nguyễn Văn Minh nói.
Theo kế hoạch năm nay, UBND quận tiếp tục thực hiện 117 TTHC cấp quận và 76 TTHC cấp phường theo DVCTT mức độ 3, đặc biệt sẽ triển khai 23 TTHC theo mức độ 4.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Xuân Lưu cho biết: Để tăng tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, quận đang tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền phong phú. Trong đó, “chúng tôi chú trọng lồng ghép trong các trường THCS, tập trung vào học sinh lớp 8 và đang thể hiện là kênh tuyên truyền rất hiệu quả, vì các em sẽ hướng dẫn ông bà, bố mẹ, và có thể làm thay họ. UBND TP mới đây cũng đã chỉ đạo nhân rộng hình thức tuyên truyền này”.
Mặc dù vậy, “hiện quận chỉ có 2 công chức văn phòng, vừa làm việc văn phòng vừa ứng trực ở BPMC, trong khi ngày càng nhiều công dân đến giải quyết hồ sơ. Ngoài chế độ Nhà nước, cán bộ BPMC không được hưởng tiền làm thêm, trong khi nơi nào càng giải quyết TTHC nhanh gọn thì càng nhiều người đến đó, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, và cán bộ lại càng vất vả. Vì vậy, với những khoản người dân nộp như tiền chứng thực, cần được trích ra một phần để bồi dưỡng, động viên cán bộ” - ông Lưu đề xuất.