Hỗ trợ của Hà Nội đưa huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) về đích nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực của TP Hà Nội, cơ sở hạ tầng tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã được đầu tư, nâng cấp ngày một đồng bộ, góp phần đưa địa phương này về đích nông thôn mới.

181 tỷ đồng hỗ trợ từ Hà Nội

Thực hiện chủ trương phân bố lại lao động và dân cư trên địa bàn cả nước, năm 1976, tỉnh Lâm Đồng và TP Hà Nội đã phổi hợp, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng.

Vùng kinh tế mới được lập thuộc huyện Đức Trọng, tạo tiền đề cho sự ra đời của huyện mới Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vào ngày 28/10/1987 tại Quyết định số 157/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (nay là Chính phủ).

Một góc huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) hôm nay.
Một góc huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) hôm nay.

Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng cho biết, trong 36 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự quan tâm đầu tư của Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương nhận được sự hỗ trợ rất lớn về nguồn lực từ TP Hà Nội.

Thống kê từ năm 2016 đến nay, khoảng 181 tỷ đồng đã được TP Hà Nội và 15 quận, huyện hỗ trợ cho huyện Lâm Hà để triển khai hàng chục dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung vào nhóm lĩnh vực: giáo dục, giao thông và chỉnh trang đô thị.

“Với sự quan tâm, hỗ trợ từ TP Hà Nội, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Lâm Hà đã được nâng cấp ngày một đồng bộ. Đây là tiền đề giúp 14/14 xã của huyện về đích nông thôn mới năm 2019. Đến tháng 7/2022, Lâm Hà vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Văn Hoàng cho biết thêm.

Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn

Không chỉ góp phần đưa huyện Lâm Hà về đích nông thôn mới, thông qua hiệu quả đầu tư từ nguồn lực hỗ trợ của TP Hà Nội, nhiều công trình dân sinh đã được hoàn thành, phát huy tối đa hiệu quả, giải quyết một phần nhu cầu sân sinh bức xúc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. 

 

Cùng với hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới, tính đến nay, huyện Lâm Hà đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Gia Lâm, Tân Hà, Đông Thanh, Tân Văn), cùng 2 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục là Gia Lâm và Tân Hà.

Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn cho biết, cùng với những kết quả đạt được, đánh giá cho thấy việc triển khai hợp tác giữa TP Hà Nội và huyện Lâm Hà mới dừng ở việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa huy động được các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển kinh tế; do vậy chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn nhiều công trình chưa được chuyển kinh phí hỗ trợ khiến tiến độ triển khai bị chậm. Nguyên nhân theo một số quận, huyện của Hà Nội phản ánh là do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách trong công tác hỗ trợ các địa phương khác trong nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề kinh phí hỗ trợ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, hiện nay Quốc hội đã có Nghị quyết số 115/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội. Đây là căn cứ để các sở ngành, quận, huyện phối hợp, tiến tới bố trí đủ kinh phí hỗ trợ cho các dự án tại huyện Lâm Hà.

Đồng tình với ý kiến của Bí thư Huyện uỷ Lâm Hà Nguyễn Văn Sơn, Thường trực UBND TP đề nghị trong thời gian tới, các sở ngành của Hà Nội quan tâm, hỗ trợ huyện Lâm Hà phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP; thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện… nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.