Hỗ trợ doanh nghiệp, cân đối “hai vai” tiền tệ và tài khóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng thừa tiền, DN đói vốn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thời gian qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh DN và nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, việc cố đẩy tín dụng ra đang đặt hệ thống ngân hàng trước rất nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro nợ xấu. Vì vậy, muốn hỗ trợ tăng trưởng, bên cạnh chính sách tiền tệ, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa nhiều hơn.

Trong bối cảnh khó khăn, hoạt động DN khó chứng minh hiệu quả, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng. Theo đó, nhu cầu tín dụng tăng chậm ở hầu hết các ngành, cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cả năm.

Giới phân tích cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% sẽ không đạt được bởi phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịch khung chỉ khoảng 11%.

Kém lạc quan hơn, báo cáo của một vài công ty chứng khoán còn dè dặt dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ ở mức 9,6 - 10,7%. Cơ sở là lãi suất cho vay tăng mạnh vào cuối 2022 chỉ mới được điều chỉnh vào cuối quý I/2023 và trên nền tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi các rủi ro liên quan trái phiếu DN và bất động sản cùng bất ổn chính trị trên thế giới vẫn tiếp diễn, đồng thời Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn phải hết sức chú ý giữ ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá).

Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng thấp hơn mục tiêu là phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Bởi, mục tiêu đầu năm đề ra là tăng trưởng kinh tế (GDP) 6,5% thì tăng trưởng tín dụng cũng phải tương ứng ở khoảng 14%.

Đến nay, khả năng tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu, chỉ khoảng 5%, thì tăng trưởng tín dụng cũng phải thấp theo, chỉ vào khoảng 10 - 11% là phù hợp.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP tính toán, DN muốn lãi vay giảm thêm, tuy nhiên lãi suất huy động đầu vào vẫn cao. Ngân hàng này đang vay các định chế tài chính nước ngoài bằng USD với lãi suất 5 - 6%/năm, quy đổi ra VND là trên dưới 10%/năm. Với lãi suất cho vay hiện nay (ngắn hạn 7%/năm, trung dài hạn 8-10%/năm), ngân hàng đang lỗ.

Trong bối cảnh này, có thể thấy, nếu ngân hàng cố để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đặt hệ thống trước rất nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro DN đảo nợ.

“Năm nay, DN đua nhau tất toán trái phiếu trước hạn, ngoài đảo nợ để mua lại trái phiếu DN còn có tình trạng đảo nợ tín dụng" - một chuyên gia phân tích.

Chính sách tiền tệ trong thời gian tới vẫn đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng khi sức cầu trong nước còn rất yếu. Vì vậy, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2024 là duy trì nền lãi suất thấp, điều tiết ổn định tỷ giá khi cần.

Tuy nhiên, lãi suất chính sách hiện không có dư địa giảm vì đã tới đáy, chỉ còn lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm. Trong khi đó, nếu cố tăng trưởng tín dụng bằng nhiều cách sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu. Vì vậy, muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa hơn là chính sách tiền tệ.

Hiện, các cơ quan chức năng đang tính toán và triển khai thêm nhiều giải pháp tài khóa như giãn, giảm và gia hạn thuế hỗ trợ người dân, DN, nhiều chính sách an sinh xã hội… Hy vọng, khi vai tài khóa và tiền tệ cân bằng, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu đặt ra.