Hỗ trợ kinh phí xóa trọng điểm đê điều

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội về công tác chuẩn bị, ứng phó với thiên tai năm 2017.

Theo Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai TP Đỗ Đức Thịnh, hiện Hà Nội đã hoàn thành công tác kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều, thủy lợi trước lũ cũng đã hoàn tất.
Cống Long Tửu là một trong 13 vị trí trọng điểm xung yếu của Hà Nội trong mùa mưa bão năm 2017.
Các phương án chống úng, ngập nội thành, ngoại thành, hộ đê cũng đã được các sở, ngành, các địa phương xây dựng cụ thể. Cũng tho ông Thịnh, Hà Nội hiện vẫn còn 3 trọng điểm được xác định là: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu, công trình cống Liên Mạc và cụm công trình cống qua đê Yên Sở. Ngoài ra, còn 10 vị trí đê điều xung yếu gồm: Kè Khê Thượng (Ba Vì), đê Sen Chiểu và đê Vân Cốc (Phúc Thọ), kè Liên Trì (Đan Phượng), kè An Cảnh (Thường Tín), kè Quang Lãng (Phú Xuyên), đê hữu Đuống (Long Biên), đê - kè Đổng Viên và đê tả Đuống (Gia Lâm), đề - kè - cống Tân Hưng - Cẩm Hà (Sóc Sơn). Đây là những vị trí có nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn. Do đó, để nâng cao năng lực công trình phòng, chống thiên tai, cùng với chủ động ngân sách địa phương, TP Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách T.Ư hỗ trợ nâng cấp, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 13 trọng điểm, vị trí xung yếu phòng, chống lụt bão nêu trên.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai của Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết: Sẽ tổng hợp đề xuất của Hà Nội để Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, Hà Nội cần chủ động bố trí ngân sách hàng năm cho công tác này, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô, nhất là nguy cơ xảy ra sự cố tại các vị trí trọng điểm, xung yếu. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cũng đề nghị Hà Nội quan tâm đầu tư từng bước xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, và đưa hệ thống đê tả Bùi, tả Đáy vào danh mục cần thiết phải đầu tư để phòng, chống lũ nội địa, lũ rừng ngang...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần