Hóa giải định kiến bảo hiểm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI báo cáo vụ việc mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan.

Đồng thời, bộ tiếp tục có văn bản yêu cầu các DN bảo hiểm nhân thọ đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Sự việc diễn viên Ngọc Lan livestream cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ kéo theo sự chú ý của dư luận những ngày qua.

Có hai luồng ý kiến, một bên cho rằng phía bảo hiểm mập mờ, "bẫy" khách hàng và bên còn lại "chỉ lỗi" của khách hàng do không đọc ký hợp đồng.

Chưa bàn đúng sai trong sự việc trên nhưng rõ ràng, không phải tự nhiên mà bảo hiểm bị mang tiếng xấu nhiều như vậy khi thời gian qua nổ ra nhiều vụ lùm xùm liên quan loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.

Bảo hiểm có giá trị và ý nghĩa nhân văn, nhưng nó đã và đang bị biến tướng.

Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, thiếu minh bạch; các tư vấn viên bảo hiểm chỉ quan tâm đến hoa hồng; sau khi đã ký hợp đồng mua bán bảo hiểm, người mua bảo hiểm sẽ phải vượt qua hàng chục cửa ải gian nan mới may ra nhận được khoản tiền khi hữu sự…

Rồi lùm xùm những khoản lợi kếch xù từ bancassurance (bán bảo hiểm thông qua ngân hàng). Đã có nhiều phản ánh khách hàng bị nhân viên ngân hàng "ép" mua bảo hiểm khi đến vay tiền.

Sau hơn một tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (tính đến cuối tháng 3), bộ đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh về tình trạng này.

Trải qua quá trình phát triển lớn mạnh của ngành bảo hiểm, bên cạnh các tác động tích cực, cũng tồn tại không ít mặt trái khiến người dân bức xúc.

Bảo hiểm là một sản phẩm tài chính phức tạp. Các nước phát triển đều có tỷ lệ dân mua bảo hiểm rất cao (thường là trên 60%) và việc rủi ro ít xảy ra là do người mua được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.

Vấn đề lớn hiện nay là cách tổ chức mạng lưới bán hàng, mạng lưới giao dịch của các công ty bảo hiểm đang có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Chất lượng tư vấn viên không đồng đều là một trong những nguyên nhân làm tăng sự hoài nghi của người dân về bảo hiểm.

Trong hệ sinh thái bảo hiểm, một bộ phận "đại lý" làm xấu đi hình ảnh, bản chất của bảo hiểm. Họ không ăn lương của công ty mà thu nhập chủ yếu từ tiền phần trăm của mỗi hợp đồng bảo hiểm.

Với mục đích đẩy doanh số, họ tư vấn mập mờ, cốt bán được sản phẩm. Đó chính là nguồn cơn của những vấn đề liên quan đến lùm xùm trên thị trường bảo hiểm hiện nay.

Bảo hiểm là phương thức bảo vệ trước những rủi ro tài chính, là cách để quản lý rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.

Xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm, phải làm sao cho khách hàng thấy tin tưởng, tự nguyện lựa chọn chứ không phải do bị ép hay bị dụ.

Đã đến lúc các công ty bảo hiểm cần hành động để lấy lại lòng tin của xã hội vào bảo hiểm.

Và cơ quan Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, quản lý để lành mạnh hóa lĩnh vực này.