Hoàn thành công tác kiểm kê di tích tạo đà thuận lợi cho việc quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở VH&TT Hà Nội vừa hoàn thành Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích trên địa bàn TP Hà Nội. Lần đầu tiên, số lượng di tích có giá trị được định dạng phân loại theo từng thời kỳ, từng cấp độ giá trị kiến trúc nghệ thuật.

 
Hoàn thành công tác kiểm kê di tích tạo đà thuận lợi cho việc quản lý - Ảnh 1
Cùng với đó, các hiện vật có giá trị trong di tích cũng được kiểm đếm. Đề án đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu và bỏ phiếu xuất sắc, trước khi trình UBND TP phê duyệt kết quả thực hiện. Đề án được Sở VH&TT Hà Nội lựa chọn bình chọn là 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm.

Nhận diện thêm hơn 800 di tích

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước. Theo số lượng tại danh mục di tích vào thời điểm mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), toàn TP có trên 5.000 di tích, trong đó Hà Nội (cũ) có gần 2.000 di tích; tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) có trên 3.000 di tích.

Mặc dù trước thời điểm này, hệ thống di tích đã được khảo sát, tổ chức đánh giá hiện trạng nhưng chưa tổ chức tổng kiểm kê để nhận diện giá trị, lập danh mục và nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích trên địa bàn. Việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, cùng với nhu cầu công tác quản lý di tích ngày càng cao đã đòi hỏi phải nắm được đặc điểm, giá trị, thực trạng hệ thống di tích trên địa bàn, nên Sở VH&TT đã trình UBND TP phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau hơn 2 năm thực hiện, từ tháng 7/2013 - 12/2015, Đề án đã cơ bản hoàn thành. Với cách làm khoa học từ việc xây dựng mẫu phiếu kiểm kê, sự hỗ trợ và chung tay tham gia không chỉ của cán bộ văn hóa địa bàn quận, huyện mà của trường Đại học Văn hóa, Viện Bảo tồn di tích…, đợt tổng kiếm kê đã rà soát 7.966 di tích, địa điểm, công trình có trong danh mục di tích của các cấp quản lý hoặc là di tích do địa phương giới thiệu. Kết quả là đã đề xuất danh mục kiểm kê di tích TP Hà Nội với trên 5.800 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới; 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp TP.

Như vậy, so với kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng trước đây, số lượng di tích được đánh giá phân loại lần này tăng thêm hơn 800 di tích. Điều đó không có nghĩa Hà Nội đang gia tăng thêm nhiều di tích có giá trị mà có những di tích đã tồn tại lâu đời, thông qua đề án lần này được nhận diện giá trị rõ hơn.
Di tích Cổ Loa (Đông Anh). Ảnh: Chiến Công
Di tích Cổ Loa (Đông Anh). Ảnh: Chiến Công
Số lượng những công trình, địa điểm kiểm kê ngoài danh mục trình TP sẽ được lưu theo dõi, phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Kết quả cũng đưa ra số liệu thống kê tình trạng xuống cấp các hạng mục chính của di tích, tình trạng vi phạm di tích, thống kê theo loại hình, niên đại khởi dựng, niên đại kiến trúc nghệ thuật chủ đạo hiện còn và một số thông tin khác phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý.

Những thông tin cụ thể về di tích, số liệu thống kê về hiện trạng di tích đã đưa lại hiệu quả thiết thực đối với công tác quản lý Nhà nước. Việc công bố danh mục kiểm kê là quy định về mặt pháp lý, tạo thuận lợi cho các ngành khác, đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Qua đó, cấp huyện thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đối với di sản trên địa bàn; các sở, ngành liên quan sẽ cùng phối hợp trong công tác bảo vệ và giữ gìn di tích. Đây là một trong những bước đi cơ bản của công tác quản lý di tích, là cơ sở để xây dựng chiến lược bảo tồn di tích lâu dài.

Sẽ thực hiện số hóa

Việc thực hiện số hóa và xây dựng hệ thống quản lý thông tin di tích cũng là một nội dung công việc hết sức cần thiết, nhất là đối với một địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc. Khi dự thảo nội dung Đề án trình UBND TP phê duyệt, cơ quan tham mưu đã xây dựng đồng thời 2 nội dung: Kiểm kê di tích và thực hiện số hóa tư liệu phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và phát huy giá trị.

Tuy nhiên, vì nội dung tin học cần được xây dựng thành một dự án riêng, độc lập nên khi thẩm định đề án, để rút ngắn thời gian thực hiện. Sở KH&ĐT đã tách nội dung tin học để xây dựng riêng thành dự án độc lập và đã lưu ý tại quyết định phê duyệt đề án: “Lập kế hoạch thực hiện việc số hóa và quản lý thông tin về hệ thống di tích trên toàn TP bằng công nghệ tin học trên cơ sở các số liệu kiểm kê của đề án”.

Do vậy, tại kế hoạch công tác của đơn vị năm 2016 và các năm tiếp theo, Ban Quản lý di tích danh thắng đã xây dựng dự án, kế hoạch liên quan về công tác quản lý cũng như chuyên môn nghiệp vụ, như: Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích TP Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; xây dựng hồ sơ tư liệu về di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích, kế hoạch giải tỏa các vi phạm di tích, kế hoạch xếp hạng, cắm mốc giới di tích.

Song song với công tác kiểm kê di tích, số lượng hiện vật có giá trị trong các di tích cũng được kiểm đếm, phân loại. Tuy nhiên, để đảm bảo thời gian, đồng thời đáp ứng mục tiêu chính của việc kiểm kê di tích, nên việc nhận diện hiện vật không tránh khỏi sự nhầm lẫn cả trong cách nhận diện và đánh giá giá trị; thêm vào đó là có cả trường hợp không tiếp cận được hiện vật mà chỉ được cung cấp qua thông tin của người trông coi (ví dụ như thần phả, sắc phong). Do vậy, tổng số hiện vật trong đề án này là số tham khảo để hình dung được phần nào số lượng hiện vật của di tích và ước số lượng hiện vật của một phường, hay một quận, huyện, thị xã và của toàn TP.

Với kết quả qua những thông tin, số liệu cụ thể, qua phương pháp, nội dung và cách thức triển khai thực hiện, Đề án Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích trên địa bàn TP Hà Nội đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu thuộc các chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, như: Lịch sử, bảo tồn bảo tàng, khảo cổ học, du lịch, Hán Nôm đã xác định: Hà Nội là địa phương có nhiều di tích nhất toàn quốc và là địa phương duy nhất thực hiện việc kiểm kê có kết quả chi tiết.

Thủ đô Hà Nội xưa nay vốn là nơi hội tụ và lan tỏa về văn hóa đối với cả nước. Truyền thống, di sản văn hóa Thủ đô đã đóng góp và làm phong phú, đa dạng nét đẹp văn hóa Thủ đô Hà Nội. Vinh dự và trách nhiệm luôn đi đôi. Hà Nội sẽ luôn cố gắng, cùng với sự quan tâm của Bộ VHTT&DL ngày càng làm tốt hơn nữa công tác quản lý di tích trên địa bàn, góp phần phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô và cả nước.