Học Bác để tự soi mình

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là thời điểm Hà Nội cùng cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày Bác đi xa.

Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá lại 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phàm đã là người Việt Nam yêu nước thương nòi, không ai không nhớ những lời dạy của Bác, đặc biệt là di huấn của Người để lại trong bản Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa.
Đến nay, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, từ thực tế cách mạng Việt Nam với thành quả to lớn cùng những biến động xã hội trong nửa thế kỷ qua, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc và càng hiểu rõ thêm ý nghĩa cùng giá trị to lớn những bài học, lời chỉ bảo mà Bác để lại.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Người coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn bó mật thiết với các nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn, là động lực to lớn góp phần thúc đẩy cách mạng Việt Nam đi đến mọi thành công.
Bác đã đi xa nửa thế kỷ nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa đất nước vượt qua những giai đoạn thử thách chông gai, ngày càng thêm vững vàng trên con đường đi tới những thắng lợi vẻ vang.
Tư tưởng của Người về nền văn hóa mới, con người mới trong Di chúc tiếp tục soi sáng con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Bác hằng mong muốn.
Dù không trực tiếp nói về tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới, song trong từng dòng của Di chúc chúng ta đều có thể nhận thấy quan điểm, bài học, lời dạy của Bác về vấn đề này. Thật thấm thía khi đọc lại những dòng Bác viết về Đảng, về việc mỗi đảng viên phải giữ gìn truyền thống đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Cũng như vậy, những dòng nói về sự cần thiết phải thực hiện đoàn kết, dân chủ, tình đồng chí thương yêu nhau của mỗi cán bộ, đảng viên hay việc chăm lo đào tạo thế hệ trẻ, tất cả đều thể hiện một cách sâu sắc quan điểm của Người về xây dựng văn hóa của Đảng, bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa mới, con người mới như là một động lực và cũng là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.
Thật cảm động khi đọc lại những dòng Bác viết trong Di chúc về ý định của Bác khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Bác mong muốn đến ngày đó sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý rồi đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Đó chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn, một cội rễ sâu xa của văn hóa Việt Nam, phẩm chất của con người Việt Nam.
Cảm động và càng thương nhớ Bác, càng thấy rõ sự mất mát lớn lao của đất nước, dân tộc khi không còn Bác trong ngày toàn thắng và những năm xây dựng đất nước sau này.
Những ngày này, đọc lại Di chúc của Bác càng thêm thấu hiểu và trân trọng ý nghĩa to lớn, cùng giá trị thiết thực của những bài học mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam ta trước lúc đi xa.
Bên cạnh những giá trị to lớn ở tầm vĩ mô, được coi là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, Di chúc của Bác còn hàm chứa lời chỉ bảo cho mỗi con người. Giá trị của những bài học đó càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi bất cứ ai cũng đều cảm nhận được tình cảm ấm áp, lòng thương yêu mà Bác để lại.
Và quan trọng hơn, qua đó mỗi người đều có thể tự soi mình, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm để trở thành một người công dân tốt của đất nước, một đảng viên chân chính của Đảng, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân như lời Bác căn dặn.