Học cách chấp nhận thất bại

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn hai tuần nay, hầu hết các phụ huynh và các em học sinh đã nhận được kết quả kỳ thi chuyển cấp THCS và THPT. Trong một cuộc thi, người đỗ kết quả theo ý muốn, người không đạt kết quả cao, thậm chí thất bại hầu hết các dự định là điều thường xuyên gặp phải. Nhưng phụ huynh sát cánh cùng các con đón nhận thất bại đầu đời đó như thế nào cũng là bài học.

 Ảnh: Phạm Hùng
Mong mỏi của nhiều thí sinh và gia đình chủ yếu vẫn là đủ điểm để giành một vé vào trường chuyên, lớp chọn tại các trường công lập hoặc một ngôi trường dân lập có uy tín nào đó. Đôi khi, kết quả lại không đạt được như ý muốn, có thể vì một chút sơ sẩy khi làm bài thi hoặc là những lựa chọn sai mục tiêu khi làm hồ sơ. Nhưng bất kỳ lý do gì, thì thất bại đều là điều không dễ dàng chấp nhận.
Không học trường điểm có thể học trường làng. Theo nhiều phụ huynh học sinh, có nhiều cách để con học trường làng nhưng vẫn giỏi như… trường điểm. Chẳng hạn, cha mẹ dành thời gian để sát sao việc học của con trên trường. Thay vì dồn sức đóng mức học phí quá cao ở trường ngoài công lập, cha mẹ nghèo vừa cho con học ở trường công sau đó học các môn ngoại khóa khác như võ, vẽ, tiếng Anh… ngoài giờ. Như vậy, chi phí đầu tư cho con vẫn rẻ hơn học trường tư mà con vẫn được phát triển toàn diện.
Đối với học sinh THPT, thay vì trường chuyên, lớp chọn, trường dân lập có tiếng, có thể học nghề hoặc là một trường nào đó phù hợp với hoàn cảnh của mình. Với những ai quyết tâm theo đuổi học hành thì thất bại ở kỳ thi này hoàn toàn chỉ có tính chất tạm thời. Các em không được vào ngôi trường cấp 3 mơ ước nhưng 3 năm sau, các em vẫn có đầy đủ cơ hội để bước vào ngôi trường đại học trong mơ của mình. Đó mới là cái đích lớn, cần phải “rút thắng” ngay từ bây giờ, thay vì đau buồn vì thất bại.
Trong cuộc sống hàng ngày, trường học, ngoài việc dạy cho chúng ta kiến thức để vào đời thì còn rất nhiều bài học khác, một trong số đó chính là dạy chúng ta học cách chấp nhận thất bại trong các kỳ thi, các bài kiểm tra. Điều quan trọng với các em còn tuổi cắp sách đến trường là phụ huynh đồng hành cùng con mình học cách chấp nhận thất bại như thế nào. “Thất bại là mẹ thành công!”.
Chính vì thế, thất bại như một “món quà” đem đến kinh nghiệm cho mỗi người. Bạn có thể được truyền đạt lại kinh nghiệm từ những người thành công khác nhưng nếu đó chính là kinh nghiệm thực tế của mình thì việc nhận định được đúng, sai lại càng trở nên dễ dàng hơn. Mỗi lần nhận được những “món quà” ấy là một lần chúng ta giúp con em mình khám phá được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, kiểm soát được hướng đi đúng đắn và mở ra con đường thành công cho sự nghiệp sau này.