Học cái hay của người khác để làm giàu tiếng Việt

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đề xuất gây xôn xao dư luận về cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền, GS.TS Vũ Đức Nghiệu – Khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã bày tỏ quan điểm xung quanh vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời hội nhập.

Ông có quan điểm gì khi PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, giảm từ 38 ký tự xuống còn 31 để thống nhất chữ viết trong cả nước và loại bỏ các thiếu sót, bất cập không nhất quán?
- Tôi chưa thể nói gì về từ 38 con chữ và tổ hợp chữ hiện hành rút xuống còn 31 là tốt hay không, tốt đến đâu, vì còn phải xét đến những quy tắc viết và kết hợp các chữ để ghi các âm tiết, từ ngữ. Đề xuất của PGS Bùi Hiền mới chỉ nói đến và xử lý bảng chữ cái (38 giảm còn 31), mà chưa đề cập đến quy tắc viết các âm tiết, nên không thể bàn về những điều hơn thiệt. Có thể PGS Hiền đã có giải pháp, nhưng chưa trình bày. Xin nói thêm, ông chỉ đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ (chữ viết của tiếng Việt), chứ không đề nghị cải tiến tiếng Việt như một vài người nói.

Trước đây, đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ đã từng được đặt ra. Dư luận xã hội đã có phản ứng thế nào về việc này, thưa ông?

- Từ đầu thế kỉ XX đến nay, đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ ở nước ta đã không ít lần được nêu ra, bàn thảo. Dư luận xã hội bao giờ cũng có hai phía và chưa có một đề nghị cải tiến nào được chấp nhận thực hiện. Ở các nước, trong phạm vi mà tôi biết, cũng có nơi, có người đề nghị cải tiến chữ viết của họ, nhưng chưa đi đến đâu, trừ chính sách quốc gia giản thể chữ Hán ở Trung Quốc.

Chúng ta luôn nói về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy khi hội nhập thế giới, chữ Quốc ngữ nên được giữ gìn và phát triển thế nào để không mất bản sắc?

- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là câu chuyện lớn. Đó là việc sử dụng tiếng Việt sao cho đúng, cho hay, làm cho nó phát triển lành mạnh, khoa học. Chữ viết (của những ngôn ngữ đã có chữ viết) là câu chuyện gắn liền với ngôn ngữ, chứ không phải là toàn bộ ngôn ngữ. Đồng nhất ngôn ngữ (tiếng nói của một dân tộc) với chữ viết của ngôn ngữ ấy là không đúng. Chúng ta vẫn cứ hội nhập thế giới. Bản sắc dân tộc là ở nhiều thứ, không phải chỉ ở chữ này hay chữ kia. Nói và viết cho đúng, cho hay tiếng của ta; học lấy cái hay của người để bổ sung những gì mình còn thiếu hụt, để làm giàu thêm cho tiếng của ta; nhưng đừng học mót, “nhai lại” một cách mù quáng, thì đấy là có bản sắc và giữ gìn được bản sắc.

Ngày nay, nhiều người trẻ sử dụng chữ tiếng Việt trên các trang mạng xã hội theo hướng biến thái đi rất nhiều. Điều này có ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thưa GS?

- Việc sử dụng chữ viết không theo quy tắc chính tả trên facebook, zalo... là cách dùng của một cộng đồng riêng, với ý thích riêng. Có thể là do cố ý làm lệch đi để vui đùa, hoặc viết cho nhanh..., nhưng cũng có nhiều trường hợp, tôi tin chắc là do viết sai hoặc không thể viết đúng được, rồi người khác thấy ngồ ngộ dùng theo, và nhiều người dùng lại, theo nhau, làm cho nó thành phổ biến. Nếu tỉnh táo phân biệt được lúc nào, với ai, ở đâu để dùng cách nói, cách viết nào cho phù hợp, đúng quy ước thông thường về văn hóa, đạo đức... thì không sao. Nhưng tôi e rằng dùng nhiều hóa quen, quên hết các quy ước, quy định, thì lúc đó “thảm họa” xuất hiện cho chính người dùng.

Xin cảm ơn GS!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần