Học giả Philippines cảnh báo Trung Quốc dùng COC "đánh úp" ASEAN

Tú Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường hợp xấu nhất là Bắc Kinh dùng COC để tạo ra “luật lệ quốc tế của Trung Quốc”.

Đó là nhận định của ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư chính trị tại Đại học hàng đầu Philippines De La Salle - học giả nghiên cứu uy tín về Biển Đông chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông" ngày 4/12. 

“Trước đây, nói đến Biển Đông người ta nhắc đến Vạn l‎ý trường cát, giờ thay vào đó là Vạn lý trường tên lửa đất-đối-không”, ông Richard Javad Heydarian ví von, dẫn chứng cho quá trình quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên vùng biển này.

 Richard Javad Heydarian, Giáo sư chính trị tại Đại học hàng đầu Philippines De La Salle.

Với nhiều động thái triển khai khí tài quân sự tân tiến, tên lửa chống hạm, hệ thống radar…tới Biển Đông trong năm nay, rõ ràng là Trung Quốc đã không giữ lời hứa không quân sự hóa Biển Đông mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2015.

Những hành vi trên cũng vi phạm Phán quyết của tòa trọng tài thường trực tại The Hague đưa ra tháng 7/2016, theo đó bác bỏ tuyên bố Đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, GS Richard Javad Heydarian nhận định, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã hành động nhiều hơn so với người tiền nhiệm, mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông. Quan trọng không kém là Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ khả năng tự phòng thủ của các quốc gia khác. “Chúng ta đã có bằng chứng là khi cứng rắn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cư xử ổn thỏa hơn”, chuyên gia Philippines khẳng định.

Hai đề xuất đáng quan ngại của Trung Quốc với COC

Đồng thời, học giả Philippines cũng bày tỏ rằng ASEAN đáng ra có thể làm nhiều hơn trong quá trình đàm phán về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thực sự có thể kiềm chế hoạt động của Trung Quốc trên thực địa. “Tôi cho rằng COC đang ngày càng thể hiện điều Trung Quốc muốn hơn là một bộ quy tắc ứng xử cần có và điều Trung Quốc muốn rất nguy hiểm”, theo ông Richard Javad Heydarian.

 Ảnh minh họa.

Điều đáng quan ngại, theo chuyên gia người Philippines, là 2 điểm Trung Quốc đã đề xuất trong quá trình đàm phán bản dự thảo COC gần đây:

Thứ nhất, Trung Quốc đề xuất nước này có quyền phản đối các cuộc tập trận chung giữa các nước ASEAN với quốc gia ngoài khu vực. Trong trường hợp của Philippines, điều này có nghĩa COC sẽ cho phép Trung Quốc yêu cầu Philippines không tập trận với đồng minh như Mỹ. Đề xuất này có tính công kích, cho thấy Trung Quốc quá tự tin.

Thứ hai, Trung Quốc đề xuất là nguồn tài nguyên ở khu vực tranh chấp ở Biển Đông bao gồm cả nguồn khai thác cá, dầu mỏ và khí đốt cần được độc quyền khai thác bởi Bắc Kinh và các nước có tuyên bố chủ quyền ở khu vực. Điều này đồng nghĩa các tàu cá Nhật Bản hay các công ty dầu mỏ Mỹ không thể tham gia vào việc khai thác ở Biển Đông. Đề xuất này không khác gì một nỗ lực lợi dụng COC để gia tăng lợi thế của Trung Quốc so với các nước lớn ngoài khu vực và cô lập các nước nhỏ hơn trong ASEAN.  

“Tôi muốn nói đến một COC ảo tưởng…Mọi người đều nói về nó nhưng chúng ta không biết nó sẽ đi về đâu. Chúng ta có những “bước ngoặt giả” như dự thảo hay có khung thỏa thuận, nhưng thực sự không phải vậy”, học giả Philippines nhấn mạnh.

Trường hợp xấu nhất là Bắc Kinh dùng COC để tạo ra “luật lệ quốc tế của Trung Quốc”. "Đã 20 năm kể từ khi khái niệm COC được đưa ra. ASEAN muốn xây dựng COC để buộc Trung Quốc phải chấp nhận các quy tắc nhưng giờ đây lại giống như bị Trung Quốc đánh úp", ông Richard trao đổi. 

GS Richard Javad Heydarian đưa ra 3 biện pháp “đóng băng” cần thiết để cải thiện tình hình trên Biển Đông hiện nay. Đó là đóng băng việc cải tạo phi pháp, đóng băng việc quân sự hóa và đóng băng các hoạt động quân sự ở Biển Đông. “Thật không công bằng khi hai bên đang thương thảo mà một phe vẫn thay đổi hiện trạng (trên Biển Đông) từng ngày”, học giả này nói.