Học nấu cỗ truyền thống đón Tết Giáp Thìn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều lớp dạy học nấu cổ Tết cổ truyền thu hút các bạn trẻ tham gia với mong muốn tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, tỏ lòng thành kính với gia tiên, lưu giữ nét ẩm thực truyền thống.

Giới trẻ hào hứng học cuốn nem, chặt gà, đồ xôi

Nắm bắt được nhu cầu tự tay bày biện các món ăn ngon, đẹp mắt trong mâm cơm Tết truyền thống của người trẻ, các lớp học nấu cỗ đã ra đời vào những ngày cận Tết Giáp Thìn, thu hút nhiều học viên tìm đến.

Nhiều bạn trẻ đi học nấu ăn ngày cận Tết. Ảnh: Trung Nguyễn
Nhiều bạn trẻ đi học nấu ăn ngày cận Tết. Ảnh: Trung Nguyễn

Trong căn phòng rộng khoảng 30 mét vuông đầy đủ dụng cụ nấu ăn, đầu bếp Lưu Huỳnh Châu cùng các học viên say sưa trao đổi về cách chọn nguyên liệu để nấu mâm cỗ Tết. Lớp học được mở vào dịp cận Tết chỉ khoảng 10 người, đa phần là sinh viên, những bạn trẻ mới lập gia đình. Các học viên hào hứng với món gà luộc, nem rán, xôi, canh bóng thả.

Tháng cuối năm, Phương Nga (25 tuổi) quyết định đăng ký một khóa học nấu cỗ. Chị cho biết, việc hoàn thiện mâm cỗ thắp hương gia tiên không đơn giản, để làm ra được các món ăn vừa ngon miệng lại đẹp mắt, yêu cầu người nấu phải kiên nhẫn và tỉ mỉ cao. Vì vậy, nhiều gia đình bận rộn vào dịp Tết thường đặt cỗ Tết ở các nhà hàng vì tính tiện dụng, nhanh gọn và không cần dọn dẹp sau khi ăn. Tuy vậy, là người yêu thích nét đẹp và văn hóa Tết truyền thống, tôi muốn tự tay chuẩn bị một mâm cỗ cúng Tết tươm tất, chỉn chu từ mùi vị đến hình thức để bày tỏ lòng thành với tổ tiên.

Mâm cỗ ngày Tết do học học viên thực hiện. Ảnh: Trung Nguyễn
Mâm cỗ ngày Tết do học học viên thực hiện. Ảnh: Trung Nguyễn

Không chỉ riêng Phương Nga, chị Thanh Hiền - nhân viên văn phòng cũng quyết định học nấu cỗ Tết vì từ trước tới giờ chỉ có mẹ nấu chính. Cô muốn học nấu ăn để phụ giúp mẹ đỡ vất vả, bản thân lại được học thêm nữ công gia chánh. Những món ăn làm còn vụng về nhưng cô vui vì lần đầu được tự tay vào bếp trình diễn các món ăn truyền thống. “Em thấy càng lớn gia đình càng quan trọng. Mâm cỗ Tết là nét truyền thống nên được lưu giữ”.

Chặt gà, cuốn nem, đồ xôi sao cho vừa ngon, vừa đẹp mắt là việc không dễ, Thanh Hiền chia sẻ, trong các công đoạn chế biến một mâm cỗ Tết, khó nhất vẫn là khâu chặt gà. Bởi chặt gà nếu không theo trình tự sẽ vô cùng khó làm và kết quả hoàn thành trông không ngon mắt. Nhờ sự truyền đạt dễ hiểu và kinh nghiệm của giáo viên, trong 2 giờ đồng hồ, học viên có thể hoàn thành mâm cỗ Tết với nhiều món ăn ngon.

Nhiều người trẻ khác cũng tìm đến các lớp học nấu cỗ Tết bởi mong ước giản đơn có thể phụ giúp người thân trong những ngày sum vầy; hay bởi muốn trổ tài trong dịp ra mắt nhà chồng, người yêu. Càng trưởng thành, giới trẻ càng nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình, và việc tự chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết chính là phương thức lưu truyền nét văn hóa của người Việt xưa.

Sợi dây gắn kết gia đình

Cả năm bận rộn với công việc, Tết là dịp để mọi người quây quần bên gia đình và mâm cỗ Tết là sợi dây gắn kết tình cảm giữa mọi thành viên trong gia đình, để ngày Tết thêm trọn vẹn và đoàn viên.

Đầu bếp Lưu Huỳnh Châu (Hà Nội) chia sẻ, tôi mở lớp học nấu cỗ truyền thống để duy trì, gìn giữ nét văn hóa lâu đời; giúp các học viên có thêm kỹ năng chế biến món ăn; cũng như góp phần phát huy nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mặt khác, mâm cỗ Tết với các món ăn truyền thống mang ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Mâm cỗ không chỉ là phương thức để gắn kết gia đình sum họp trong ngày đoàn viên mà còn thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, cũng như mong cầu một năm mới an lành, sung túc.

Lớp học thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Ảnh: Trung Nguyễn
Lớp học thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Ảnh: Trung Nguyễn

Theo văn hoá truyền thống, mỗi món ăn ngày Tết đều có ý nghĩa. Bát canh bóng thả không chỉ gói trọn mùa Xuân mà còn là biểu trưng cho sự thanh tao của ẩm thực cổ truyền miền Bắc. Màu đỏ trong xôi gấc mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, phúc lành, hạnh phúc lứa đôi viên mãn. Hình ảnh của những chiếc bánh chưng, bánh dày trên mâm cỗ Tết tượng trưng cho sự sự dung hòa của trời đất, nắng mưa và cũng là đạo hiếu của con cái đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Với một đầu bếp có nhiều năm kinh nghiệm, đầu bếp Lưu Huỳnh Châu bộc bạch, việc tạo ra một mâm cỗ Tết ngon lành, thịnh soạn cũng là nghệ thuật, đòi hỏi các bạn học viên phải có sự kiên nhẫn và lòng đam mê. Kiên nhẫn không chỉ ở việc tìm tòi kiến thức, ở cách thực hiện các phương pháp, kỹ thuật chế biến mà còn để vượt qua những vất vả trong quá trình nấu.

Để rồi tự đó, sự hòa quyện của các nguyên liệu, món ăn thể hiện mong muốn gắn kết giữa mọi người với nhau, để Tết thêm ấm áp, sum vầy.