Hội giảng nhà giáo GDNN – tôn vinh những người thầy có nhiều đóng góp quý báu

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không chỉ dừng lại ở những thành tích trong Hội giảng mà sẽ nhân rộng các bài giảng điển hình, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành, góp phần thực hiện thành công chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Chiều 12/11, Bộ LĐTB&XH tổ chức khai mạc Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội và được tổ chức livestreams trên fanpage của Tổng cục GDNN.
Tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 có Thứ trưởng Bộ LĐTB&ĐT Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng...và những đại biểu đại diện Bộ, ban ngành Trung ương, địa phương cùng các thầy cô giáo.
Trong bài phát biểu tại chương trình khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&ĐT Lê Tấn Dũng chia sẻ: Trong thời đại sáng tạo tri thức, vai trò của người thầy càng trở nên quan trọng để phát triển năng lực người học, dẫn dắt định hướng nghề nghiệp và kết nối người học với DN...
Trong GDNN, nếu như trước đây người học thường tập trung vào tư duy đơn ngành, điêu luyện một nghề thì ngày nay họ hướng tư duy liên ngành và chuyên nghiệp trong khi hành nghề. Vì thế, người thầy không còn cách nào khác là phải thay đổi cách tiếp cận, liên tục nâng cao năng lực và luôn nỗ lực khẳng định mình.  

 Thứ trưởng Bộ LĐTB&ĐT Lê Tấn Dũng cho biết: Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến là một minh chứng sinh động của chuyển đổi số trong GDNN.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&ĐT Lê Tấn Dũng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội cũng như ngành GD-ĐT, trong đó có GDNN. Đại dịch Covid-19 là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để GDNN chuyển đổi số. Để duy trì hoạt động đào tạo nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, các cơ sở GDNN đã chuyển đổi từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến và nhà giáo GDNN có vai trò dẫn dắt, thực hiện quá trình chuyển đổi này. Hội giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến là một minh chứng sinh động của chuyển đổi số trong GDNN.
Thông tin về những điểm nhấn cơ bản trong công tác chuẩn bị và những kết quả ban đầu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng ban tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021 Nguyễn Thị Việt Hương cho hay: Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 có sự tham gia của 404 nhà giáo của 55 đoàn địa phương và 6 bộ ngành. Ban tổ chức chọn ra 100/170 giám khảo đưa vào bốc thăm qua các ngày chấm thi. Hội giảng diễn ra trong 4 ngày liên tục (từ 13 đến 16/11) và sẽ có 4.040 lượt bài được đọc, trong đó có 1.212 bài được chấm.
Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc nhằm tôn vinh những người thầy có nhiều đóng góp quý báu cho sự nghiệp GDNN.
Bên lề Hội giảng còn có những hoạt động với những con số ấn tượng như: Triển lãm số trong GDNN gồm 35 gian hàng; 1 hội thảo quốc tế Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và người đào tạo là người của DN; 1 tọa đàm Hợp tác quốc tế trong GDNN: Cơ hội và tiềm năng; cuộc thi Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN với 600 bài giảng trực tuyến được thiết kế ở cấp cơ sở và 100 bài cấp Trung ương và 7 bài được lựa chọn báo cáo trình diễn tại Hội giảng.
Hội giảng nhà giáo GDNN truyền đi thông điệp “Nhà giáo GDNN Đổi mới – Sáng tạo – Thích ứng – Hội nhập, nhân tố quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Được vinh dự đại diện cho 404 nhà giáo phát biểu tại lễ khai mạc Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021, thầy Lê Tùng Lân - Giảng viên Khoa Điện, trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Hội giảng là dịp để các nhà giáo nhìn lại chặng đường đã đi qua, nhìn lại thành quả mình đã làm được. Cũng như để nhìn lại những thiếu sốt nhằm hoàn thiện mình trở thành những nhà giáo ưu tú. Hội giảng nhà giáo GDNN cũng là một sân chơi bổ ích mà ở đó chúng tôi một lần nữa được thể hiện khả năng của mình, được học hỏi, cọ xát với thực tế. Và hơn hết là được trao đổi kinh nghiệm với các thầy cô giáo khác trong khối GDNN”.