Hồi hộp chờ báo cáo lạm phát, chứng khoán Mỹ đi ngang

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán biến động trái chiều trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư đang thấp thỏm chờ dữ liệu giá tiêu dùng tháng 4 sắp được công bố.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên ngày 8/5. Ảnh: AP
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên ngày 8/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên ngày 8/5, chỉ số S&P 500 cộng 0,05% lên 4.138,12 điểm, và Nasdaq Composite tiến 0,18% đạt mức 12.256,92 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 55,69 điểm (tương đương 0,17%) xuống còn 33.618,69 điểm.

“Thị trường Phố Wall không có nhiều biến động trong phiên giao dịch ngày thứ Hai khi các nhà đầu tư đang đánh giá lại những thông tin của tuần trước và chuẩn bị đón nhận những dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần này. Giới đầu tư giữ tâm lý vẫn duy trì tâm lý thận trọng”, báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.

Điểm tích cực trong phiên giao dịch đầu tuần là cổ phiếu của Ngân hàng PacWest bị bán tháo vào tuần trước đã tăng 3,6%. Cổ phiếu của Western Alliance cộng khoảng 0,6% khi đóng cửa phiên. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn như Wells Fargo và JPMorgan Chase cũng ghi nhận sắc xanh.

Theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp của Oanda, các nhà đầu tư đang tranh luận liệu cuộc khủng hoảng ngân hàng cuối cùng đã lắng xuống hay chưa. Chuyên gia Moya nhận định: “Dường như Phố Wall sẽ cố gắng tìm hiểu xem liệu tình trạng bất ổn của ngành ngân hàng có sắp kết thúc hay không".

Ở một diễn biến khác, cổ phiếu của Disney tăng hơn 2% khi kết thúc phiên. Công ty sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý vào giữa tuần này.

Trong khi đó, cổ phiếu hạng A Berkshire Hathaway leo dốc 1%. Tuần trước, tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett đã báo cáo kết quả quý I. Lợi nhuận hoạt động của Berkshire tăng 12% và lượng tiền mặt tích trữ đạt 130 tỷ USD

Trong phiên này, mối lo ngại của nhà đầu tư về suy thoái kinh tế Mỹ dường như đã lắng dịu.

Theo chuyên gia Brent Schutte - giám đốc đầu tư của Công ty Northwestern Mutual Wealth Management, triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ổn định mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa có quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 trong hơn 1 năm qua. Ông cũng cho rằng những lo ngại về khủng hoảng ngân hàng lan rộng đã hạ nhiệt.

Chứng khoán Mỹ đã trải quả một tuần đầy biến động khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023. 

Tâm điểm trong tuần này sẽ là báo cáo lạm phát của Bộ Lao động được công bố trong ngày 10/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, sau đó là chỉ số giá sản xuất (PPI), báo cáo thất nghiệp hàng tuần và dữ liệu tâm lý người tiêu dùng.

Những số liệu kinh tế sắp tới sẽ giúp giới đầu tư đánh giá xem chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed có giúp làm giảm lạm phát, hay tác động như thế nào đến tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.

Ông Mike Wilson, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ của ngân hàng Morgan Stanley, cho rằng thị trường cổ phiếu đang quá lạc quan về cơ hội Fed cắt giảm lãi suất cùng với khả năng “tăng trưởng bền vững”.

Chuyên gia Wilson nhấn mạnh thêm: “Thị trường chứng khoán tiếp tục  kỳ vọng điều tốt nhất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khả năng cả hai kết quả trên cùng xảy ra trong năm nay là thấp. Đồng thời, Fed khó có thể quyết định hạ lãi suất trong năm 2023. Về mặt chiến thuật, cổ phiếu được định giá cho một kết quả lạc quan, và xác suất xảy ra thấp hơn”.