Hội nghị An ninh Munich: Ưu tiên tháo ngòi nổ ở chiến trường Ukraine

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Nga không được mời tham dự sự kiện bởi lẽ ban tổ chức không muốn "dành cơ hội để những kẻ chà đạp luật pháp quốc tế nêu ý kiến tại Hội nghị”.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 (MSC 2023) diễn ra từ 17/2 đến 19/2 tại thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern, miền Nam nước Đức. Xung đột Ukraine-Nga vẫn phủ bóng hội nghị năm nay và đối thoại để tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine là quan điểm cốt lõi, cần được ưu tiên.

Các nhà lãnh đạo thế giới, Bộ trưởng quốc phòng và nhiều quan chức an ninh, tình báo quốc tế đã có mặt tại Munich để tham dự sự kiện thường niên quy mô lớn tập trung vào quốc phòng và ngoại giao, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine sắp tròn một năm (24/2), theo hãng tin Reuters.

Được tổ chức thường niên từ năm 1963 tới nay, MSC tuy không phải là nơi đề ra chính sách, chiến lược, cũng không thể giải quyết tất cả vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng lại là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại cấp cao, tăng cường sự hiểu biết, giảm đối đầu, đối phó với các thách thức, nhằm bảo vệ môi trường an ninh quốc tế.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được Thủ hiến bang Bayern Markus Söder chào đón khi bà đến dự Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 16/2. Ảnh: Getty Images  
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris được Thủ hiến bang Bayern Markus Söder chào đón khi bà đến dự Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 16/2. Ảnh: Getty Images  

Năm nay, đại diện phái đoàn Mỹ tham dự hội nghị do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu, nhằm phối hợp với các đồng minh và đối tác để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cũng như tìm kiếm cách thức phản ứng thống nhất đối với Nga trong xung đột quân sự ở Ukraine.

Ukraine “chiếm sóng” MSC 2023

Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang diễn ra quyết liệt, cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt.

Điều này cũng đã được Chủ tịch hội nghị, Đại sứ Christoph Heusgen (cố vấn chính sách đối ngoại kỳ cựu của bà Angela Merkel), công bố tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị: “Tôi hy vọng tại hội nghị diễn ra vào cuối tuần này chúng ta không chỉ nói về Nga mà là đối thoại với Nga. Là một nhà ngoại giao lâu năm, tôi vô cùng lạc quan, tin tưởng và cũng hy vọng rằng, với giải pháp ngoại giao và đối thoại, chiến tranh có thể được đẩy lùi”.

Xung đột không chỉ khiến hai bên tổn thất lớn về nhân lực và vật lực mà còn đặt ra những vấn đề an ninh toàn khu vực và trên thế giới, Chủ tịch MSC nhấn mạnh

Theo tờ Deutsche Welle (Đức), chiến sự Nga-Ukraine là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi thực tế này giáng đòn mạnh vào MSC - sự kiện vốn có nhiệm vụ góp phần giải quyết các cuộc xung đột.

Theo quan điểm của Chủ tịch MSC Christoph Heusgen, thách thức trực tiếp mà châu Âu đang phải đối mặt là lý do để tăng cường đối thoại. “Cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động trực tiếp đến trật tự dựa trên luật lệ,” ông C. Heusgen viết trong Báo cáo An ninh dài 176 trang.

“Tại Munich, chiến sự Nga-Ukraine sẽ khơi lại các cuộc tranh luận kéo dài về các câu hỏi như: Tại sao nhiều quốc gia châu Âu ngần ngại ủng hộ Ukraine và chỉ trích Nga? Bài học nào rút ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương? Đâu là chất xúc tác cho một cam kết toàn cầu hướng tới một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ?” - báo cáo viết.

Và tại MSC năm nay, theo quan điểm của Đại sứ C. Heusgen, thách thức trực tiếp mà châu Âu đang phải đối mặt là tìm lý do để tăng cường đối thoại. Thậm chí, Chủ tịch MSC nêu đích danh trong báo cáo MSC 2023 rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine tác động trực tiếp đến đối thoại giữa các bên, ảnh hưởng tới trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP  
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP  

Tờ Deutsche Welle dẫn lời chuyên gia Liana Fix, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington, D.C, chia sẻ quan điểm về tuyên bố của ông C. Heusgen như sau: "Đó là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng phương Tây sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, rằng không phải tất cả các nước sẽ ngay lập tức chỉ trích Nga. Điều này không dựa trên tình cảm thân Moskva mà đúng hơn là tâm lý chống phương Tây".

Theo chuyên gia Fix, tái cân bằng mối quan hệ kinh tế có lẽ là ý tưởng thực chất hơn các sáng kiến ngoại giao và các chuyến công du. Điều đó không chỉ áp dụng cho những nỗ lực của phương Tây để gây sức ép lên Nga mà còn là bước đi nhằm kiềm chế một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy ở Thái Bình Dương.

MSC được coi như thước đo quan hệ giữa Nga và phương Tây

Tình hình chiến sự ở Ukraine đang “chiếm sóng” tại MSC 2023. Tuy nhiên, Chủ tịch C. Heusgen nói với Reuters, các quan chức Nga không được mời tham dự sự kiện này vì ban tổ chức không muốn “dành cơ hội để những kẻ chà đạp luật pháp quốc tế nêu ý kiến tại Hội nghị”.

Năm ngoái, chỉ vài ngày sau khi những người tham dự có uy tín và quyền lực vừa mới rời khỏi hội nghị thường niên này thì Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine với quy mô mà các cường quốc châu Âu cho là lịch sử.

Năm nay, các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm cách giải quyết hàng loạt hệ lụy của xung đột quân sự nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2.

MSC đôi khi được coi như thước đo quan hệ giữa Nga và phương Tây. Vào năm 2007, Tổng thống Putin đã công kích Mỹ trong một bài phát biểu hiện được nhiều người cho là điềm báo về lập trường cứng rắn hơn nhiều của Moscow đối với các nước phương Tây.

Tại MSC 2023, tương lai của nước Nga sẽ được thảo luận "với các thủ lĩnh phe đối lập và những người bị trục xuất", theo Reuters.

Thế nhưng, Nga có cách nhìn nhận khác về sự việc. Đáp lại nhận xét của C. Heusgen. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, năm nay, cũng như những năm trước, phái đoàn Nga không thấy có lý do gì để tham gia Hội nghị Munich, vì sự kiện này không còn thu hút sự quan tâm của Moscow nữa, diễn đàn này đã trở thành một "sự kiện xuyên Đại Tây Dương thuần túy".

Còn Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, trong những năm gần đây, Hội nghị MSC đã hoàn toàn xuống cấp, và các nhà tổ chức ngại mời Nga tham dự vì họ không muốn nghe sự thật.

Trong số những người tham gia diễn đàn năm 2023 có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Ngoại trưởng Antony Blinken, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị.