Hội nhập, PVN đối diện nhiều thách thức

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều cơ hội, xen lẫn thách thức được các chuyên gia nhận định tại Hội thảo khoa học “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26/9.

Hội thảo đã đánh giá những thành tựu mà ngành dầu khí đã đạt được; những cơ hội, khó khăn, thách thức đang đặt ra; đề xuất những giải pháp để ngành dầu khí phát triển bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng.
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Vũ Văn Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định, dầu khí và ngành công nghiệp dầu khí là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16 - 18% GDP trong các năm qua. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vai trò quan trọng trong chiến lược biển, đảo của Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam. Những thành tựu mà ngành dầu khí đạt được nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài với 5 lĩnh vực chính là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Đây đều là những lĩnh vực cốt lõi, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao.
Chiến lược phát triển ngành dầu khí nước ta đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã xác lập các mục tiêu hàng năm như: Gia tăng trữ lượng 35 - 40 triệu tấn; khai thác dầu khí tăng 10 - 36% cho từng giai đoạn 5 năm, trong đó từ nước ngoài phải gấp 3 - 5 lần so với mức hiện nay; các sản phẩm lọc và hoá dầu gấp 1,5 đến 5 lần so với hiện tại; doanh thu tăng trưởng 10 - 15%… là một thách thức trong bối cảnh giá dầu hiện nay.
Chính vì thế, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đánh giá, với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, các cam kết cắt giảm thuế quan thì Hiệp định Antiga trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN là có mức sâu nhất. Theo đó, từ năm 2016, thuế nhập khẩu diesel, ma-dút đã có thuế suất là 0%. Riêng các loại xăng, thuế suất cũng sẽ được loại bỏ (0%) theo lộ trình, tác động không nhỏ đến ngành dầu khí trong nước. Như vậy, thị trường sẽ có tính cạnh tranh cao, không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài mà cả với những nhà nhập khẩu trong nước do thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được loại bỏ vào năm 2029.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, ngành dầu khí cần khẩn trương xây dựng hệ thống quản trị nhân sự theo chuẩn mực quốc tế, bao gồm ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ năng lực; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí người đại diện và đại diện phần vốn của PVN trong các hoạt động dầu khí trong nước và ngoài nước… Toàn ngành cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh để có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài có tiềm lực lớn ngay trên sân nhà và cần xem công nghiệp khí là trọng tâm, động lực phát triển của ngành. Mặt khác, các đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn cần hướng mạnh vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm giảm giá thành thăm dò, khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến…
Đồng thời cho rằng, phát triển, mở rộng hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ; củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh với những bước đi và tốc độ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình… chính là “kim chỉ nam” để PVN có thể rút ngắn con đường phát triển của mình mà lịch sử nhiều doanh nghiệp thế giới phải trải qua hàng trăm năm mới có. Đây cũng có thể xem là “lối mở”, hợp quy luật đối với PVN trong bối cảnh hiện nay.