Hội Nông dân huyện Đan Phượng: Trao “cần câu” cho hội viên để thoát nghèo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, hội viên Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong sản xuất. Bên cạnh đó được tiếp cận khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Nhiều hỗ trợ thiết thực
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, xác định giúp nông dân “cần câu” chứ không cho "con cá" nên việc đầu tiên Hội Nông dân huyện tập trung thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, Hội đều lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã làm cho cán bộ và hội viên nông dân chuyển biến về nhận thức và hành động, nêu cao vai trò trách nhiệm, tự lực, tự cường, hăng hái phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh.
 Mô hình trồng cà chua an toàn sinh học của gia đình ông Thiều Văn Hưng, thôn 11 xã  Trâu.  Ảnh: Phương Nga
Để thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm các cấp Hội Nông dân trong huyện đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tổ chức tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây con giống mới, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất. Trong năm 2020, Hội đã tổ chức được 82 lớp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 860 lượt hội viên nông dân tham dự.
Ông Thiều Văn Hưng, thôn 11 xã Trung Trâu cho biết, hiện gia đình ông đang canh tác 7 sào cà chua. Thông qua mô hình trình diễn sử dụng thuốc sinh học trong canh tác do Hội Nông dân huyện triển khai, gia đình ông được hỗ trợ 100% thuốc sinh học. Qua đó, giúp cho sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao và đặc biệt là sản phẩm an toàn. Có được nguồn vốn vay của Hội Nông dân, tháng 3/2019, ông Nguyễn Văn Lộ ở thôn Cổ Thượng, xã Phương Đình đã đầu tư trồng nho Hạ Đen. Sau 2 năm trồng, cây đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 5 tạ/sào. Với mức giá trung bình từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi 40 – 45 triệu đồng/sào.

Được biết, để giúp hội viên nông dân có vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trong năm 2020, Hội Nông dân huyện đã xây dựng dự án vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ Quỹ hỗ trợ nông dân TP, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Tiếp tục đổi mới hoạt động

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã khích lệ mỗi người nông dân có ý thức và quyết tâm tự vươn lên làm giàu, đổi mới nếp nghĩ, cách làm. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng tăng năng suất chất lượng và hiệu quả, hướng tới xuất khẩu; nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong khu vực.
Tuy nhiên, để phong trào đạt hiệu quả cao, đòi hỏi các cấp Hội phải tập trung chỉ đạo hoạt động trợ giúp nông dân, đồng thời phải có sự liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và DN.

Bên cạnh đó, hiện nay việc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế còn hạn chế; đất đai manh mún, nhỏ lẻ, khó cho việc đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh; cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cho phong trào phát triển còn hạn chế. Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về chủ trương, chính sách, tài chính hỗ trợ hoạt động của hội nông dân cơ sở.

Qua bình xét theo tiêu chuẩn năm 2020, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã chọn 42 hộ đạt cấp T.Ư, 299 hộ đạt cấp TP; một số gương điển hình tiêu biểu có cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trên các lĩnh vực.