Hội thảo "Công tác quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình trên địa bàn TP Hà Nội"

C.Thọ - Đ.Thọ - T.Thành - T.Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/9, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo với Chủ đề: “Quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình trên địa bàn Hà Nội” nhằm chia sẻ những khó khăn cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP.

Dự buổi Hội thảo có ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế; ông Nguyễn Minh Đức - TBT báo Kinh tế & Đô thị; ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; ông Lại Bá Hà, Phó TBT báo Kinh tế & Đô thị cùng Lãnh đạo Chi cục ATVSP Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội; và các đại biểu đến từ quận, huyện, xã, phường… 
Ông Nguyễn Minh Đức - TBT báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Minh Đức - TBT báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, có thể nói, nước uống đóng chai hiện nay đã trở thành sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân. Quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tại Hà Nội, công tác quản lý ATTP thời gian qua, trong đó có quản lý các cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn đã có những chuyển mạnh mẽ. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ cấp xã, phường đến TP thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn, ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm đã tăng lên rõ nét.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 580 cơ sở nước uống đóng chai và nước đá dùng liền được quản lý và cấp phép hoạt động. Bên cạnh những thương hiệu lớn, những cơ sở đảm bảo chất lượng, thì còn có tình trạng nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình giá rẻ khi chưa được cấp phép, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt còn có tình trạng làm “nhái” những nhãn hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Theo các cơ quan chức năng, công tác quản lý hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng; số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai, đóng bình nhiều, lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ; một số đối tượng kinh doanh hoạt động lén lút khó phát hiện. Bên cạnh đó, ở một số địa bàn, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc kiểm soát ATTP nói chung cũng như kiểm soát ATTP nước uống đóng chai, đóng bình nói riêng.
 TBT báo Kinh tế & Đô thị và Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đồng chủ trì hội thảo
Đối với Báo Kinh tế & Đô thị, trong thời gian qua đã thường xuyên đẩy mạnh truyền thông về đảm bảo ATTP, báo đã xây dựng các chuyên trang “Chung tay vì an toàn thực phẩm” trên báo in cũng như ra mắt chuyên mục “Chung tay vì an toàn thực phẩm” trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị nhằm truyền thông cộng đồng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn.
Ngoài ra, còn nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác đảm bảo ATTP tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTP. Phóng viên của báo đã có nhiều bài phản ánh, phân tích, đánh giá về cơ chế chính sách, các bài điều tra về các vụ việc được bạn đọc và cơ quan chức năng của TP quan tâm, giải quyết.
Để tiếp tục truyền thông mạnh mẽ hơn về công tác ATTP, hội thảo “Quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình trên địa bàn Hà Nội” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức nhằm đánh giá, phân tích thực trạng quản lý ATTP dịch vụ nước uống đóng chai, đóng bình của các cấp trên địa bàn TP, vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP.
Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quản lý ATTP tại các quận, huyện, xã, phường; những giải pháp để địa phương phát huy được vai trò của mình, chia sẻ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc đảm bảo ATTP; cũng như khuyến cáo của các chuyên gia về cách lựa chọn, đảm bảo ATTP khi sử dụng nước uống đóng chai, đóng bình.
Ông Nguyễn Minh Đức đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau bàn thảo, đóng góp ý kiến, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách quản lý, để tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng trong công cuộc đấu tranh với thực phẩm bẩn, “Chung tay vì an toàn thực phẩm”, vì sức khỏe của người dân Thủ đô.
Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên

Hà Nội đi đầu về công tác kiểm soát ATTP nước đóng chai, đóng bình

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế đánh giá cao công tác quản lý ATTP nói chung của TP Hà Nội.

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế, trong khoảng 40 năm nay nước đóng bình, nước đóng chai trở thành một thứ hàng tiêu dùng thường xuyên của người dân. Ở tất cả mọi nơi đều bày bán nước đóng chai, đóng bình.

"Qua thanh tra kiểm tra trên toàn quốc, chúng tôi nhận định Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về công tác kiểm soát ATTP nước đóng chai, đóng chai. Rà soát lại 3 bước về quản lý ATTP từ triển khai - thanh tra, kiểm tra - xử lý vi phạm, chúng tôi thấy rằng về mặt pháp lý chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát ATTP với mặt hàng này", ông Nhiên cho biết.

Theo báo cáo của Chi cục ATTP Hà Nội cũng như các địa phương, thực tế hiện nay, nước đóng bình "nhìn thì dễ" nhưng công tác quản lý hết sức khó khăn. Trên địa bàn Hà Nội không phải tất cả các cơ sở sản xuất đều có quy mô vừa hoặc lớn mà nhiều cơ sở quy mô nhỏ nên khó đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành ATTP.

"Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ DN. Thủ Đô là 1 trong 2 địa bàn được Chính phủ giao triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, tới đây sẽ là 1 trong 9 TP được thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện.

Hy vọng rằng, qua đó công tác đảm bảo ATTP nói chung, đảm bảo ATTP nước uống đóng chai, đóng bình sẽ trên địa bàn Hà Nội sẽ được tăng cường hơn nữa", Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế bày tỏ.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội

Công tác quản lý ATTP nước uống đóng bình còn nhiều khó khăn

Theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội, trong năm 2018, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 416 số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên toàn địa bàn TP. Qua đó, có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…

Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, phòng Công tác thanh tra của Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

Tiêu biểu là việc xác minh thông tin cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không chấp hành pháp luật về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm nước Aqua Puruis do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đỗ Chiến Phát sản xuất (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội). Hay xác minh theo phản ánh của công dân về cơ sở sản xuất nước uống đóng chai không đảm bảo ATTP tại Liên Ninh, Thanh Trì.

Cũng trong thời gian qua, Chi cục ATVS TP Hà Nội đã kiểm tra 5 cơ sở và tham mưu cho Sở Y tế có công văn gửi Ủy ban nhân dân quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì kiểm tra 4 cơ sở. Qua đó, phát hiện 4/5 cơ sở không đạt vệ sinh cơ sở, 2/3 mẫu nước uống đóng chai và 1/2 mẫu nước đá dùng liền không đạt về vi sinh vật.

Chi cục đã yêu cầu các cơ sở thu hồi và bảo quản các sản phẩm có cùng lô với mẫu đã lấy; rà soát toàn bộ quy trình sản xuất và khắc phục sự cố không đảm bảo ATTP. Xử lý vi phạm hành chính hơn 20 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay các vi phạm mới được tiếp tục sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội đánh giá, công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hoặc khi cơ sở thôi không hoạt động nữa không có báo về phía cơ quan quản lý hoặc cơ sở trong quá trình sản xuất thử cũng không có báo cáo. Do đó, ông Tụ đề nghị các phòng y tế địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn để mau chóng phát hiện cơ sở không đảm bảo. Bên cạnh đó, nước đóng bình tại nhiều cơ sở đều có hình thức tái sử dụng nhưng không chú trọng công tác vệ sinh...

Tuy vậy, công tác quản lý nước đóng bình trên địa bàn hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan. Chủ cơ sở cũng có nhận thức cũng như chịu đầu tư trang thiết bị nhằm đảm bảo vệ sinh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP Hà Nội, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát nước uống đóng bình ngay tại cơ sở sản xuất. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, đặc biệt là từ trạm y tế và cấp huyện. Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh, cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tích cực xác minh cũng như khuyến khích người dân, báo chí phản ánh các cơ sở không đảm bảo VSATTP.

Thông báo công khai các cơ sở vi phạm ATTP

Tại hội thảo, bà Khuất Thị Dung - Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên chia sẻ, hàng năm, từ tháng 1 và tháng 2, 14 phường trên địa bàn quận đã tiến hành điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn; hàng tháng rà soát, cập nhật bổ sung những biến động của cơ sở.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, cứ tháng 3, 4 (là dịp chuẩn bị vào mùa nắng nóng, nhu cầu về sử dụng nước uống đóng chai, nước đá dùng liền tăng mạnh), quận lại triển khai rà soát lại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trên địa bàn thông qua đội ngũ cộng tác viên ATTP, các tổ dân phố.

Bà Khuất Thị Dung - Phó Trưởng phòng Y tế quận Long Biên

Theo điều tra, rà soát hiện nay trên địa bàn quận Long Biên có 32 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền (trong đó có 20 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và 12 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền; 30/32 cơ sở đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định, chiếm 93,7%).

Trong 9 tháng đầu năm 2018, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận và 14 phường đã kiểm tra 24/32 (trong đó có 2 cơ sở mới hoạt động, 22 cơ sở theo ủy quyền của TP), xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở/ số tiền phạt là 11.750.000 đồng, đình chỉ hoạt động 4 cơ sở.

Để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm và kịp thời cảnh báo tới người tiêu dùng về những sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATVSTP, quận đã triển khi nhiều biện pháp: Thông báo công khai tên, địa chỉ cơ sở, tên sản phẩm trên hệ thống đài truyền thanh 14 phường và website của quận; thông báo bằng văn bản và kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng nước uống đóng chai, nước đá dùng liền tại các cửa hàng bán tạp hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; thông báo bằng văn bản tới UB MTTQ quận để giám sát; phối hợp chặt chẽ giữa quận - phường, giữa các ngành y tế - công an - quản lý thị trường trong quá trònh kiểm tra, xử lý vi phạm.

Một số trường hợp cố tình không khắc phục các tồn tại, quận đã phải huy động, phát huy vai trò của chính quyền địa phương, lực lượng công an, MTTQ và các tổ chức đoàn thể triển khai cùng lúc các giải pháp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý vi phạm để buộc chủ cơ sở phái khắc phục triệt để các vi phạm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Khuất Thị Dung, nhiều cơ sở qua theo dõi thấy đã ngừng hoạt động nhiều năm nay nhưng không thông báo, không làm thủ tục giải thể nên trong danh sách quản lý của TP vẫn còn. Một số cơ sở thông báo ngừng hoạt động, đoàn kiểm tra của quận và phường đã nhiều ần đến nhưng đều đóng cửa, không liên lạc được với chủ cơ sở, vì vậy không kiểm tra, xác minh được thực tế có ngừng hoạt động không.

Phòng Y tế quận Long Biên đề xuất, cần nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm; kịp thời, kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP sau khi được thẩm định; rà soát, đưa ra khỏi danh sách quản lý các cơ sở đã ngừng hẳn hoạt động trong nhiều năm.

Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung.

Trong khi đó, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Trung cho biết, trên địa bàn có 15 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đóng bình chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ. Nhìn chung, các cơ sở đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định về ATTP. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát VSATTP các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình trên địa bàn huyện được quan tâm, chú trọng. Những năm qua trên địa bàn không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do nước uống đóng chai, đóng bình.

Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều cơ quan, đơn vị, trường học... lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình chủ yếu vì giá thành sản phẩm. Do đó, các cơ sở sản xuất buộc phải tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành.

Trước tiên là việc sử dụng nước giếng khoan thay cho sử dụng nước máy, hệ thống xử lý nước thô sơ, công nghệ xúc rửa bình đơn giản không đảm bảo vệ sinh; ngoài ra còn nhiều bất cập do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, quy trình sản xuất thủ công rất khó bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Không những thế, nhiều chủ cơ sở chưa tuân thủ quy định đảm bảo ATTP vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng; Không đảm bảo về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường (diện tích chật hẹp, sử dụng chung với sinh hoạt gia đình); một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi, đơn giản trong lựa chọn nước uống đóng chai, đóng bình; chính quyền cơ sở chưa quyết liệt xử lý vi phạm...

Còn một số vi phạm, tồn tại như: Không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; không tập huấn xác nhận kiến thức về ATTP; người lao động không mang trang phục bảo hộ lao động theo quy định; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định; vi phạm về tem nhãn sản phẩm...

Bên cạnh đó, công tác ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn như phần lớn các xã, thị trấn giao nhiệm vụ công tác ATTP cho trạm y tế xã nên dễ dẫn tới tình trạng quá tải. Huyện Thanh Trì lại có mật độ dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều nan giải. Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức của người dân về ATTP chưa cao, di biến động dân lớn do đó công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn còn gặp nhiều thách thức.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Hương phát biểu tại hội thảo

Tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, bà Nguyễn Thanh Hương thông tin, cơ quan đã giao cho Chi cục ATTP là đơn vị tiếp nhận công bố danh sách các cơ sở sản xuất.

"Trên tinh thần phải kiểm tra 100% các cơ sở. Hình thức kiểm tra có thể là thường xuyên theo kế hoạch 1 lần/năm hoặc đột xuất nếu phát hiện vi phạm. Các cơ sản xuất không đảm bảo chúng tôi đều yêu cầu tạm dừng sản xuất. Các quận huyện khi kiểm tra nếu cần hỗ trợ chuyên môn chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, hỗ trợ kinh phí kiểm tra mẫu", bà Hương cho biết.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế cũng đánh giá, nước uống đóng chai, đóng bình là 1 mặt hàng rất dễ kiểm tra vì đã có tiêu chuẩn hợp quy. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều cơ sở diện tích sản xuất rất chật hẹp do chưa có quy định cụ thể về diện tích 1 cơ sở là bao nhiêu?

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề tồn tại như: Việc tái sử dụng, bỏ bình, nhiều vỏ bình để lâu có rêu mốc, xước gây nước không đạt tiêu chuẩn vi sinh. Nhân viên các cơ sở thường xuyên thay đổi, không nắm được các quy định về sản xuất.

Hàng năm, số cơ sở kiểm tra cần kiểm tra của Thanh tra Sở lớn; số tiền xử phạt không cao do giá trị hàng hóa thấp; việc thu hồi sản phẩm khó khăn, không kịp thời, vì cần thời gian kiểm nghiệm.

"Hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực ATTP, khi kiểm tra chúng tôi thường gặp các lỗi nhất ở chất lượng về vi sinh, thường không gặp vi phạm về chất lượng hóa học", bà Hương thông tin thêm. 

Báo động về đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất

Về công tác quản lý tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 Đỗ Chí Linh đánh giá, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay đang ở mức “báo động đỏ”.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đạo đức kinh doanh của một số nhà sản xuất, nhà cung cấp, phân phối thực phẩm còn nhiều vấn đề.

"Nhiều khi, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng làm tất cả, bất chấp hậu quả, sức khỏe của người tiêu dùng, của cộng đồng xã hội, điển hình là việc dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, phân bón không đủ tiêu chuẩn, các loại hóa chất độc hại vv… một cách tràn lan, vô tội vạ", ông Linh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 Đỗ Chí Linh.

Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của người tiêu dùng còn hạn chế, nhiều khi chính người tiêu dùng hoặc vô tình hoặc hữu ý trở thành “đồng phạm”, người tiếp tay cho cho việc tiêu thụ các thực phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không những vậy, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát vv… của các cơ quan chức năng chưa thực sự tốt, còn nhiều bất cập, chưa khoa học, chưa hợp lý. Các chế tài, biện pháp xử lý đối với các cá nhân tổ chức vi phạm còn chưa nghiêm minh và chưa đủ sức răn đe.

Ông Đỗ Chí Linh cho biết, địa bàn phường Cổ Nhuế 2 hiện nay có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Trong đó có 5 cơ sở đủ điều kiện và 3 không đủ điều kiện hoạt động và hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm, quán ăn, thức ăn đường phố. UBND phường đã phối hợp Phòng y tế và đoàn liên ngành của quận kiểm tra định kỳ, đột xuất theo kế hoạch. Phối hợp với Chi cục VSATTP của thành phố kiểm tra cấp phép cho các cơ sở…

Trước tình hình có nhiều vi phạm về VSATTP, các cơ quan chuyên môn và UBND quận Bắc Từ Liêm đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành phối hợp cùng UBND phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, UBND phường Cổ Nhuế 2 đã thành lập Ban chỉ đạo VSATTP, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về VSATTP tại địa phương.

Thành lập tổ giám sát tư vấn hướng dẫn thực hành ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm 5 thành viên trong đó đồng chí trạm trưởng trạm y tế là tổ trưởng tổ giám sát, tư vấn, các thành viên khác là cán bộ ban ngành đoàn thể, cộng tác viên, cán bộ y tế phường. Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm lãnh đạo phường, cán bộ y, tư pháp, công an, quản lý thị trường, trạm thú y.

Trong thời gian qua, tổ công tác đã tham mưu cho Phường và quận xử phạt nhiều trường hợp vi phạm hành chính về VSATTP. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền cũng được địa phương triển khai thực hiện tốt như phát tờ rơi, treo băng zôn, khẩu hiệu, ký cam kết…

Cần quản lý chặt chất lượng của nguồn nước dùng để sản xuất

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay do tính tiện dụng của nước uống đóng chai nên sản phẩm này đang có xu hướng được người dân sử dụng thường xuyên và ngày càng phổ biến trong mọi tầng lớp dân cư.

Số liệu thống kê 10 năm vừa qua cho thấy, thị trường nước uống đóng chai tăng lên không ngừng với tốc độ trung bình 20%/năm. Năm 2005, lượng nước uống đóng chai tiêu thụ chỉ khoảng 1.7 triệu lít, đến năm 2015 đã lên đến 8,5 triệu lít.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tham luận tại hội thảo.

Tại Hà Nội có khoảng 477 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền, tuy nhiên việc đảm bảo an toàn thực phẩm cũng còn chưa thật tốt. Vẫn tồn tại các xưởng sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, cơ sở vật chất chật hẹp, tạm bợ, công nghệ chưa được đầu tư thỏa đáng. Khu nhà xưởng chưa bảo đảm vệ sinh; thiếu trang thiết bị, phương tiện rửa và khử trùng, tem nhãn sản phẩm không đúng quy định, việc kiểm soát chất lượng, an toàn của mặt hàng này còn chưa chặt chẽ và triệt để.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thống kê, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất “chui” làm giả sản phẩm của các thương hiệu lớn khiến việc quản lý, phân biệt thật - giả ngày càng phức tạp. Nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng chai từ nước giếng khoan nhưng xung quanh giếng vẫn có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều ao tù nước đọng. Điều đó đã dẫn đến nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước giếng, trong khi đó công nghệ xử lý nước lại rất sơ sài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nước uống đóng chai đang lưu thông trên địa bàn Hà Nội, điều đầu tiên là phải quản lý chặt chẽ chất lượng của nguồn nước dùng để sản xuất nước uống đóng chai.

Để làm được điều này, trước hết Sở Y tế và chi cục ATTP cần yêu cầu tất cả các cơ sở phải tiến hành kiểm tra chất lượng nguồn nước theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT. Sau khi kiểm tra, các cơ sở lập báo cáo gửi Chi cục ATTP, trong đó cần nêu rõ các biện pháp khắc phục khi nguồn nước chưa đạt tiêu chuẩn quy định. Những nguồn nước không đạt yêu cầu nhưng cơ sở không có giải pháp xử lý có hiệu quả thì không được tiếp tục sản xuất.

Các cơ sở tự kiểm tra và đánh giá thực trạng hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất nước uống đóng chai của cơ sở mình. Lập báo cảo gửi về Chi cục ATTP. Trong đó cần nêu rõ những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống thiết bị và công nghệ sản xuất, cần nêu rõ các biện pháp khắc phục những nhược điểm.

Quang cảnh hội thảo.

"Những cơ sở không đủ thiết bị và trình độ công nghệ thấp, nếu không có giải pháp khắc phục có hiệu quả trong thời hạn nhất định, cần dừng sản xuất để hoàn thiện mới được tiếp tục sản xuất.

Ngoài ra, các cơ sở tự phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm của mình theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm được quy định trong QCVN 6-1:2010/BYT. Lập báo cáo và gửi về Chi cục ATTP, trong đó cần nêu rõ các biện pháp khắc phục các chỉ tiêu không đạt. Những cơ sở nào không có khả năng khắc phục các chỉ tiêu ATTP không đạt, cần dừng sản xuất để khắc phục cho đến khi đạt được những tiêu chuẩn quy định", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp lợi dụng các quy định chưa rõ ràng của pháp luật

Theo bà Đặng Thị Thanh Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và VSATTP, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, nước đóng chai (NUĐC) là thị trường năng động nhất trong ngành công nghiệp thực phẩm đồ uống. NUĐC là mặt hàng có nhu cầu lớn, vì vậy số cơ sở sản xuất NUDC cũng tăng nhanh theo nhu cầu của người dân.

Bên cạnh sự phát triển của các cơ sở sản xuất NUDC thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này cũng rất lớn. Một số chuyên gia kinh tế đánh giá NUDC là mặt hàng có tốc độ phát triển nhanh ở Việt Nam trong những năm gần đây bởi nó mang lại lợi nhuận cao so với các ngành sản xuất khác.

Và để có thể tồn tại trong cuộc chiến này thì một số doanh nghiệp tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất. Việc giảm chi phí bao gồm cả việc loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số thiết bị trong công nghệ hoặc là sử dụng các bình chứa tái sử dụng không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra do việc kinh doanh NUDC thu lại lợi nhuận lớn và chưa được quản lý chặt chẽ nên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm giả và sản phẩm nhái một số thương hiệu lớn.

Bà Đặng Thị Thanh Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và VSATTP, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Bà Quyên nhìn nhận, mặc dù các cơ quan chức năng của Hà Nội thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, để tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất NUĐC trên địa bàn, tuy nhiên mức độ ATTP của NUĐC chai tại Hà Nội vẫn chưa thực sự được đảm bảo gây ra nhiều nỗi lo lắng cho người dân và cả du khách đến thăm Thủ đô.

Theo bà Đặng Thị Thanh Quyên nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ quản lý về pháp lý. Một doanh nghiệp muốn sản xuất kinh doanh NUĐC phải có những giấy tờ: Giấy đăng ký kinh doanh, bản công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố chất lượng, giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy phép khai thác nước ngầm (nếu sử dụng), giấy đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, phiếu xét nghiệm chất lượng nước.

Tuy nhiên việc cấp phép còn dễ dàng đặc biệt là phiếu kiểm nghiệm (liên quan đến việc quy cách lấy mẫu, gửi mẫu mà doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định; thậm chí còn giả mẫu) điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Công tác hậu kiểm sau cấp phép còn lơi lỏng nên dẫn đến phép nước bị coi thường và các việc làm tùy tiện của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ quản lý về chất lượng khi chưa có quy định rõ ràng về quy trình khép kín, hay diện tích tối thiểu trong khu vực sản xuất bao nhiêu là đủ. Chính vì thế mà các cơ sở nhỏ lẻ bố trí thiết kế một cách tự do gây khó khăn cho các nhà quản lý. Trong công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa có quy định phương pháp cũng như hóa chất xử lý ở công đoạn này.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với NUĐC, bà Quyên đề xuất, TP Hà Nội cần tăng cường quản lý chặt chẽ tất cả các cơ sở sản xuất nước đóng chai. Trước hết cần kiểm soát chất lượng nguồn nước sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai. Khi đưa sản phẩm ra thị trường các cơ sở bắt buộc phải tự kiểm tra. Việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn đối với các sản phẩm nước uống đóng chai phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo tính pháp lý và xuất sứ của sản phẩm do mình làm ra các cơ sở cần tuân thủ việc “Ghi nhãn theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Đồng thời các cơ sở phải tiến hành công bố hợp quy phù hợp với các quy định đã có và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

"Vấn đề cơ bản hiện nay là cần phải làm cho tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn Hà nội quán triệt đầy đủ nội dung của các văn bản trên và nghiêm chỉnh thực hiện những quy định trong các văn bản này. 100% người quản lý và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đối với các cơ quan chức năng nâng cao vai trò trách nhiệm của nhà quản lý, nắm chắc những văn bản này để thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn và để hướng dẫn các cơ sở thực hiện", bà Quyên nói.

Ông Phạm Ngọc Hoan - Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Cần cơ chế khuyến khích người dân tố giác các cơ sở sản xuất vi phạm

Ông Phạm Ngọc Hoan - Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết, từ năm 2009, Công ty đã cho ra đời các sản phẩm nước uống tinh khiết đóng chai được kiểm soát bằng Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 22000.

Tuy nhiên theo đại diện Công ty, mặc dù có quyết tâm tạo ra sản phẩm nước uống có chất lượng nhưng doanh nghiệp cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng giá rẻ, trôi nổi trên thị trường như hiện nay.

Cụ thể: Mặt hàng nước uống đóng chai, bình do các cơ sở tư nhân, hộ gia đình sản xuất thường sử dụng nguồn nước giếng khoan tự khai thác, vật tư, vật liệu đầu vào sử dụng không có kiểm soát, cở sở sản xuất thường không có địa chỉ rõ ràng, có những sản phẩm chỉ ghi địa chỉ chung chung và duy nhất chỉ có 1 số điện thoại liên lạc. Do vậy, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đối với hoạt động các cơ sở trên là hết sức khó khăn.

Với những cắt giảm chi phí trên sản phẩm của các cơ sở sản xuất nước uống giá rẻ sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp, vì chi phí sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho phép giá thành sẽ cao hơn dẫn đến giá sản phẩm cao hơn các cơ sở giá rẻ.

Do đó, về phía doanh nghiệp rất mong sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn, báo chí để loại bỏ khỏi thị trường những sản phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và thông tin đến khách hàng những đơn vị nào, sản phẩm nào đạt chuẩn để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn.

Về việc khuyến khích người dân tham gia tố cáo các cơ sở sản xuất vi phạm, ông Hoan cho rằng nên tính tới phương án trích một phần kinh phí xử phạt của chính cơ sở bị tố cáo có sai phạm sau kiểm tra nhằm thưởng cho người báo tin. Điều này sẽ thúc đẩy ý thức của người sử dụng trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm VSATTP cũng như cảnh báo tới các doanh nghiệp đang làm ăn bất chính.

PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện người Việt chưa thực sự quan tâm đến việc tiêu thụ nước, chỉ biết khát là uống. Trong khi đó, nước uống có vai trò rất cần thiết cho cơ thể. Và việc uống nước đảm bảo an toàn chất lượng càng cần thiết hơn.

Liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất, TS Lê Bạch Mai đặt câu hỏi cho các nhà quản lý có mặt trong hội thảo, liệu 100% nhà sản xuất có nắm được hết, hiểu và làm tốt các quy định về đảm bảo ATTP nước đóng chai, đóng bình hay không?

"Trong khi đó, người tiêu dùng mấy người biết nước đóng chai, đóng bình như thế nào là tốt. Đặc biệt, khi cầm một chai nước hoặc một bình nước ít người có thể nhận biết được chất lượng của chai nước qua nhãn mác. Đây cũng là điều mà các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, phải giúp người tiêu dùng biết cách khi nhìn vào nhãn mác của chai nước, bình nước thì dấu hiệu nào để chứng mình nhà sản xuất này đã được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo ATTP, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng như thế nào.

Ngoài ra, trước khi sử dụng chính người tiêu dùng cần tự kiểm tra bằng cảm quan về những điều cơ bản như vỏ chai phải còn nguyên tem mác, nước trong, không có màu, không có mùi…", TS Lê Bạch Mai đưa chỉ dẫn.

Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân Trịnh Thị Chung Thủy.

Cũng liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, bà Trịnh Thị Chung Thủy - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết: Trường tiểu học Nghĩa Tân có hơn 3.000 học sinh trong đó đa số là học 2 buổi/ngày, do đó việc sử dụng nước uống sạch được đưa lên hàng đầu. Để triển khai, trường đã tuyển chọn kỹ càng nhà phân phối, có uy tín, có đảm bảo đầy đủ các giấy tờ theo đúng quy định. Ngay trong quá trình tuyển chọn nhà phân phối, trường đã tổ chức đoàn khảo sát, có cả cha mẹ học sinh, đến tham quan tại ngay cơ sở sản xuất.

Trong quá trình cung cấp nước uống, nhà phân phối phải cam kết đảm bảo quá trình kiểm tra vệ sinh 3 tháng/lần. Việc giám sát chất lượng trước khi chuyển đến cho học sinh, giáo viên trong trường có người chuyên môn phụ trách. Ngay cả giáo viên cũng kiểm tra kỹ càng trước khi đưa tới cho học sinh uống.

Việc kiểm nghiệm mẫu nước cũng được tiến hành ngẫu nhiên và thường xuyên. Thậm chí, ngay cả nhân viên vận chuyển nước cũng phải có hồ sơ nhân sự tại đơn vị phân phối, cũng như mặc đúng đồng phục của doanh nghiệp khi mang nước đến. Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị hẳn phòng riêng để chứa nước cũng như đồ dùng uống nước luôn được vệ sinh sạch sẽ. Qua đó, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân khuyến cáo người dân, các cơ sở sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình phải chọn được đơn vị cung cấp uy tín, đồng thời không dễ dãi, dung túng, tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng.

Là 1 đơn vị trong ngành giáo dục sử dụng sản phẩm nước uống đóng bình, đại diện trường Tiểu học Nghĩa Tân đã đưa ra các đề xuất nhằm mục đích nâng cao chất lượng kiểm soát nước uống đóng bình được tốt hơn. Trong đó, lưu ý đến việc cần đưa những doanh nghiệp cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn lên truyền thông để người dân và các cơ quan, đơn vị nắm được.

Bên cạnh đó, cần giảm kinh phí xét nghiệm nước cho các đơn vị giáo dục để các nhà trường có thể kiểm tra thường xuyên đảm bảo an toàn trong sử dụng nước uống đóng bình. Thời gian đi kiểm nghiệm nước cần đẩy nhanh hơn (hiện giờ nhà trường mỗi đợt tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định là 10 ngày).

Ông Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế)

Doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình

Ông Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế) đánh giá, hiện nay đang có sự chuyển đổi về tư duy quản lý của các cơ quan có thẩm quyền, từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Các doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp cũng phải tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP, tự chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trung, hiện cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự nắm bắt được quy định, xu hướng quản lý mới này, mà vẫn đặt nặng việc kiểm soát các quy định về ATTP lên các cơ quan chức năng.

Về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm cho biết, còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó tình trạng các doanh nghiệp có tình làm sai, làm ngơ các điều kiện về an toàn xảy ra rất phổ biến.

Mặt khác, nếu thanh tra, kiểm tra không chặt chẽ rất dễ bị doanh nghiệp kiện lại. Do vậy, theo ông Trung, cán bộ thanh tra phải tự nâng cao trình độ, sâu sát cơ sở mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung phát biểu kết thúc hội thảo.

* Trong bài phát biểu kết thúc hội thảo, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, hội thảo đã được tổ chức thành công với gần 20 tham luận, ý kiến của các đại biểu được đưa ra.

Thông qua các ý kiến, tham luận của địa phương, cơ quan quản lý, chuyên gia tại buổi hội thảo, Sở Y tế đã có nhiều thông tin mang tính tham khảo, qua đó sẽ giúp việc thực hiện công tác quản lý trên địa bàn được tốt hơn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian tới công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố cần có sự phối hợp hơn nữa của cơ quan báo chí, nhằm thông tin về tình trạng VSATTP.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra VSATTP, rà soát các cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về VSATTP đến tận phường xã, mỗi người dân có thể thông tin tới cơ quan quản lý về cơ sở không đảm bảo VSATTP.

Cần tăng cường công tác, thanh tra, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm của cơ sở sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Không những thế cần công khai những vi phạm trên phương tiện truyền thông để người dân nắm được.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp, xin ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP, nhằm giúp cải thiện công tác quản lý VSATTP trên địa bàn TP có chuyển biến tốt hơn.