Hôm nay, Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp về công nghiệp 4.0 của Việt Nam

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam, hôm nay (13/7), Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì khai mạc Diễn đàn cấp cao: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, tại Hà Nội. Tại đây, dự kiến Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe các nhà khoa học, trí thức tại Singapore giới thiệu về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Chính phủ kiến tạo.
 Diễn đàn cấp cao với chủ đề ''Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4'' do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức.
Các chuyên gia phát biểu đều đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đồng thời nhấn mạnh đến việc cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, xây dựng các dữ liệu lớn, công nghệ 3D… vào các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng TP thông minh, chính phủ điện tử, điều hành DN…
Các chuyên gia cho biết, với việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đang có đưa ra những mục tiêu phát triển rất cụ thể. Do đó, nếu Việt Nam không nhanh chóng tận dụng được các thành tựu này thì sẽ có nguy cơ tụt hậu. Ví dụ như Trung Quốc đặt mục tiêu tự động hóa đến 80% vào năm 2025 nên sản phẩm hàng hóa sẽ có tính cạnh tranh cao. Hay Việt Nam là nước xuất khẩu da giày lớn, nên với việc cách đây vài ngày, hãng giầy Nike công bố công nghệ in 3D trên giày cũng là áp lực mà Việt Nam cần tính đến. Ngoài ra, nhiều nước đang thử nghiệm tiền ảo, một sự chuẩn bị dài hơi cho tương lai và và điều này tác động đến Việt Nam nếu không có sự chủ động.
Từ phân tích những thách thức và cơ hội, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học, trí thức tài năng, gồm cả các trí thức Việt Nam đang ở nước ngoài. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo về tự động hóa, rô- bốt, vật liệu nano, đào tạo các chuyên gia giỏi am hiểu về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D…
 Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn cấp cao với chủ đề ''Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4''.
Để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thì Chính phủ có cơ chế hỗ trợ để kết nối giữa ý tưởng sáng tạo với các doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng này. Nếu việc hiện thực hóa thành công thì Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn để đầu tư phát triển dự án đó.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thế giới đang chuyển sang công nghệ 5G và cùng với công nghệ điện toán đám mây, thế giới sẽ sử dụng Internet vạn vật, tạo ra sự thay đổi ở nhiều quốc gia. Việt Nam có dân số trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tốt, cùng với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và ứng dụng thành công các công nghệ mới này. 
Liên quan đến vấn đề này, PGS Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển DN: DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam còn thiếu rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc kinh doanh quốc tế trong cơ chế kinh tế thị trường. Đây là điểm yếu của DN Việt Nam nói chung.
PGS Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, nhờ có cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng kết nối giúp chúng ta tiếp cận được với nền kinh tế thế giới nhanh hơn. DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong cuộc cách mạng lần này.
Tuy nhiên, việc các DN Việt Nam sẽ tiếp nhận đến đâu, nhận thức và tìm ra cơ hội, nhận ra những thách thức phải đối mặt trong kinh doanh của mình như thế nào là điều cần được các DN nắm bắt.
Việt Nam đang xây dựng chiến lược về việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tận dụng cơ hội, vượt qua các nguy cơ, thách thức, không để thất bại là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong kỷ nguyên số.
 Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới.
Nhận thấy được sự nóng bỏng của vấn đề này, hôm nay (13/7), Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì khai mạc Diễn đàn cấp cao: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, tại Hà Nội. Tại đây, dự kiến Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời hoặc chỉ định các Bộ trưởng trả lời những vướng mắc được DN nêu ra.
Sự kiện lần này nhằm phục vụ cho đề án, phương hướng hành động và chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Cũng trong ngày 13/7, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện Hội thảo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, trong đó sẽ có nội dung liên quan đến tình hình triển khai đô thị thông minh của TP Hà Nội và các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành đô thị thông minh…

Mở đầu chuỗi chuyên đề của Diễn đàn, phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” tập trung trao đổi về thực trạng triển khai và ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tại Việt Nam; đề cập đến một số xu hướng nổi bật về CMCN 4.0; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN lần thứ tư.

Tại phần tọa đàm, diễn giả từ Chính phủ, bộ ngành và các chuyên gia quốc tế trả lời các câu hỏi, đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất một số chính sách và kế hoạch triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới để Việt Nam chủ động tham gia, bắt kịp xu hướng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh ứng dụng CMCN 4.0 nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.

Trước khi dự Diễn đàn, Thủ tướng cắt băng khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, công nghệ nano, năng lượng tái tạo, công nghệ robot, nhà thông minh, công nghệ blockchain, xác định nguy cơ bảo mật, công nghệ xác thực…

Được biết, năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Hanover, Cộng hòa Liên bang Đức, thuật ngữ “cách mạng công nghiệp lần thứ tư - gọi tắt là công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được sử dụng. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo, số hóa, thông minh hóa các thiết bị, và sự hội tụ, dung hợp nhiều công nghệ, cũng như sự kết nối, tương tác giữa chúng trên các lĩnh vực với quy mô rộng lớn. Xét về bản chất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức. Hiện nay, nó đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng tới việc tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp số, tập trung xây dựng và phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là trọng tâm, cốt lõi của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Đây là một cơ hội mang đến cho các đại biểu, khách hàng tiếp cận với các sản phẩm, giải pháp về công nghiệp thông minh trong các nhóm ngành sản xuất, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghệ thông tin. Đồng thời, cũng là dịp kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là sự xuất hiện ấn tượng của Sophia - người máy đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới. Ban Tổ chức phối hợp với UNDP đưa robot Sophia - quán quân sáng tạo của UNDP tới tham gia tương tác tại Diễn đàn. Vị công dân đặc biệt này sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển bền vững và tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Chiều 12/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn, diễn giả của Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 để nhận thức sâu hơn những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang đối diện và từ đó có thể xây dựng những chủ trương, chính sách để Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0.

Hôm nay, Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp về công nghiệp 4.0 của Việt Nam - Ảnh 4

Đại diện các tập đoàn hoan nghênh một số chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam vào lĩnh vực khoa học công nghệ, mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực. Các đại biểu cho rằng, cần đưa chương trình giảng dạy về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào các trường đại học và cả ở tiểu học. Điều quan trọng, theo ý kiến đại biểu, để áp dụng CMCN 4.0 thì cần tạo ra sự khác biệt.
Nhất trí với ý kiến này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay, Đảng sẽ ban hành nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, chủ động, tích cực trong cuộc CMCN 4.0, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng các chiến lược, kế hoạch hành động, cơ chế, chính sách, tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp với “môi trường 4.0”.
Đánh giá cao các ý kiến của chuyên gia, diễn giả, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, Thủ tướng cảm ơn “những lời nói chân thành, lời khuyên, nhất là những giải pháp mà các bạn dành cho Chính phủ Việt Nam”.
Nhấn mạnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết hàng loạt FTA, với độ mở nền kinh tế rất cao (tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP), Thủ tướng cho rằng CMCN 4.0 đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Nhiều công nghệ tiên tiến của thế giới về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, người máy đã bước đầu được áp dụng. Phần lớn người dân đều sử dụng smartphone, đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu hơn. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với khoảng 3.000 DN khởi nghiệp.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo điều kiện cho phát triển khoa học công nghệ nói chung và cho CMCN 4.0 nói riêng, trong đó có luật về chuyển giao công nghệ, công nghệ cao, sở hữu trí tuệ…; hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay tương đối hoàn thiện, phù hợp với cam kết quốc tế.
Thông tin về xếp hạng mới nhất về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng thêm 2 bậc trong năm 2018, xếp thứ 45/126 nền kinh tế, Thủ tướng nhìn nhận, vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, đòi hỏi phương án triển khai nhanh, quyết liệt hơn.
Thủ tướng đồng ý với ý kiến một số đại biểu đã nêu, chúng ta phải tìm sự khác biệt để nâng cao tốc độ áp dụng cuộc cách mạng này, đặc biệt là giới khoa học công nghệ, giới doanh nghiệp để tiến bước với các nước hàng đầu khu vực ASEAN. Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội mới để phát triển, đồng thời nảy sinh thách thức không nhỏ đối với quốc gia, doanh nghiệp, mỗi cá nhân. “Vì vậy, áp dụng, ứng phó, ngăn chặn tác động tiêu cực để phát triển tốt hơn, hoàn thiện hơn, tạo cơ hội để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, là vấn đề chúng tôi suy nghĩ, đặt ra và cũng mong các chuyên gia, diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiến bước trong CMCN 4.0”, Thủ tướng nói.