Hơn 76.000 ca mắc lao mới: Nỗ lực phục hồi tỷ lệ phát hiện bệnh lao

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lao là trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã phát hiện 76.072 ca bệnh, tương tự 3 quý đầu năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19, cao hơn cả cùng kỳ năm 2020.

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương cho biết tại Chương trình giao ban toàn quốc Tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023 (Chương trình chống Lao Quốc gia triển khai) diễn ra chiều 19/11.

Duy trì tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%

Những năm qua, có nhiều vấn đề ảnh hưởng tới công tác phòng chống lao tại Việt Nam như đại dịch Covid-19, vấn đề tự chủ tài chính tại các tuyến, thay đổi mô hình tổ chức tại y tế tuyến tỉnh/huyện, thay đổi cán bộ y tế làm công tác chống lao hay việc chuyển đổi thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách Nhà nước sang bảo hiểm y tế (BHYT)…

Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống y tế, cán bộ y tế làm công tác phòng chống lao từ Trung ương đến địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác, công tác phòng chống lao năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia phát biểu tại chương trình.
GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia phát biểu tại chương trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, một trong những tín hiệu vui trong công tác phòng chống lao là trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện 76.072 ca bệnh, tương tự 3 quý đầu năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19, cao hơn cả cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, Việt Nam duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước dịch Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc. Dự kiến đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi. Nhưng con số này còn thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch là 139.000 ca bệnh được phát hiện. Đây là số liệu cam kết với Quỹ toàn cầu để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030.

Để bù đắp các chỉ tiêu phát hiện ca bệnh lao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022, Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động sàng lọc phát hiện chủ động, hoạt động lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc, lao trong trại giam, lao trẻ em, phối hợp công tư trong công tác phòng chống lao...

Ngoài ra, năm 2022, Việt Nam đã cung ứng thuốc lao  sang nguồn Quỹ BHYT, đây là một thành công rất lớn, góp phần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chống lao phục vụ điều trị cho người bệnh lao có thẻ BHYT.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ tháo gỡ

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao Quốc gia cho biết, mặc dù Covid-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền Bắc trong 3 tháng đầu năm. Thế nhưng, sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc.

Sự kiện ngày 1/7 cũng là một điểm nhấn nổi bật trong năm 2022, Chương trình chống Lao Quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn Quỹ BHYT, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao. Đến nay, Chương trình chống Lao Quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia thông tin tại chương trình.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia thông tin tại chương trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 20% chi phí điều trị bệnh lao. Khi người bệnh điều trị một thời gian hết triệu chứng họ sẽ ngừng hoặc bỏ thuốc, vì việc phải chi trả chi phí dù ít nhưng vẫn là gánh nặng nhất là với người nghèo. Bởi với bệnh lao, phác đồ điều trị thường kéo dài, việc phải chi trả chi phí tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho người bệnh. Việc người bệnh bỏ điều trị còn kéo theo nguy cơ kháng thuốc.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của Covid-19 khiến người dân không tiếp cận y tế thường xuyên nên tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình Chống lao Quốc gia (90%). Đặc biệt, sau dịch Covid-19, số bệnh nhân lao nặng tăng lên rất nhiều, thậm chí có bệnh nhân bị lao toàn thể, lao màng não... mà những ca bệnh này trước đây ít gặp.

“Với ảnh hưởng của Covid-19, kèm theo tỷ lệ hoàn thành điều trị rất cao, việc quản lý theo dõi bệnh nhân để bảo đảm tỷ lệ điều trị thành công đạt yêu cầu, đồng thời báo cáo số liệu một cách chính xác nhất vẫn cần rất nhiều nỗ lực từ các tỉnh. Việc chuyển đổi cơ chế mua sắm, thanh toán thuốc chống lao từ ngân sách Nhà nước sang BHYT đã bắt đầu được triển khai tuy nhiên nhiều địa phương gặp khó khăn và vướng mắc cần được Chương trình Chống lao cùng Bộ Y tế, cơ quan BHXH Việt Nam hỗ trợ tháo gỡ” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Giám đốc BV Phổi Trung ương cũng khẳng định: “Nếu có bất cứ rào cản nào đối với người bệnh trong việc tiếp cận dịch vụ phòng chống lao, đều có nguy cơ mục tiêu thanh toán bệnh lao không thành công". Do đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, cần phải nghiên cứu để làm sao có thêm ngân sách hỗ trợ, cấp thuốc chống lao miễn phí đến từng người bệnh một cách dễ dàng nhất. Khi người bệnh không gặp rào cản nào trong tiếp cận và điều trị bệnh lao mới có thể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao.