Hồng Kông nỗ lực trở thành trung tâm tiền điện tử

Thu Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp tiền điện tử đã có một năm khó khăn khi thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc mạnh và các công ty tiền số phá sản. Bất chấp những biến động này, Hồng Kông đang nỗ lực trở thành trung tâm tài sản tiền số.

Hồng Kông nỗ lực trở thành trung tâm tiền điện tử. Ảnh Getty
Hồng Kông nỗ lực trở thành trung tâm tiền điện tử. Ảnh Getty

Động thái này đi ngược lại với nỗ lực của Trung Quốc đại lục trong việc cấm các hoạt động giao dịch liên quan đến tiền số điện tử. Theo đó, Hồng Kông đang có kế hoạch đưa ra quy định yêu cầu các sàn giao dịch chứng khoán phải được cấp phép bởi Uỷ ban Chứng Khoán và hợp đồng Tương Lai, đồng thời tiến hành tham vấn về đề xuất quản lý các sàn giao dịch trên.

Chỉ dấu cho Trung Quốc?

Đại diện các công ty tiền số kì vọng những gì đang diễn ra tại Hồng Kông có thể mang đến quan điểm tích cực đối với chính quyền đại lục.

Deng Chao - Giám đốc điều hành của Haskey Capital cho rằng triển vọng hợp pháp hóa tiền điện tử của Hồng Kông có thể đóng vai trò là kim chỉ nam của Trung Quốc.

“Nếu thành công trong tương lai, đây có thể lầ mô hình tham khảo cho quá trình xây dựng chính sách ở các khu vực khác ở Trung Quốc”, - ông cho biết, đồng thời chia sẻ các công ty số có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận phù hợp hơn với quy định pháp lý trong hoạt động về sau.

Tháng 12, Huang Yiping - cựu thành viên Uỷ ban Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại lệnh cấm tiền điện tử. Huang cho rằng có thể Bắc Kinh đang bỏ lỡ cơ hội phát triển trong thị trường này nếu các giao dịch tiền điện tử bị cấm trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, vẫn có những sự thận trọng nhất định trong việc liệu cac khung pháp lý cho tiền ảo tại Hồng Kông có thể trở thành chỉ dấu tương lai cho Trung Quốc, và thực chất là đến nay vẫn chưa có động thái đáng kể nào từ Bắc Kinh liên quan đến vấn đề này.

Sẽ không dễ dàng đối với các nhà đầu tư đơn lẻ muốn tham gia vào thị trường tiền điện tử Hồng Kông do các quy định nghiêm ngặt đối với ngành này.

Cho dù Hồng Kông có tham vọng lớn đối với thị trường tiền số cùng với chính sách thuế khá hấp dẫn với doanh nghiệp, sự cạnh tranh đối với các trung tâm tiền số khác là khá lớn.

Hiện Hồng Kông đưa ra những chính sách thuế tương đối thấp đối với các doanh nghiệp: 2 triệu HKD (254,930 USD) lợi nhuận đầu tiên chịu 8,25% thuế, số tiền lợi nhuận sau đó tính thuế là 16,5%.

So sánh với những trung tâm tiền điện tử như Dubai khoảng 9% và Thuỵ Sĩ với 8.5% thì mức thuế của Hồng Kông vẫn chưa thực sự cạnh tranh.

Cạnh tranh vị thế tiền số trên toàn cầu

Các quốc gia khác với mong muốn trở thành trung tâm tiền số cũng đang đưa ra các quy định để quản lý hoạt động này.

Tháng trước, Anh đã đặt ra một lộ trình điều chỉnh ngành công nghiệp tiền điện tử phù hợp với các ngành tài chính truyền thống.    

Liên minh Châu Âu năm ngoái đưa ra quy định yêu cầu phải có nguồn dự phòng lớn trong trường hợp rút tiền quy mô lớn.

Dubai thì đang triển khai các cơ chế nhằm trở thành khu vực thân thiện với tiền số.

Tuỳ nhiên ở một số quốc gia khác đặc biệt là Hoa Kỳ, đã có lập trường cứng rắn đối với tiền điện tử - đặc biệt sau sự sụp đổ của sàn giao dịch lớn FTX và vụ bắt giữ người sáng lập Sam Bankman-Fried.

Tương lai của thị trường tiền số

Sự sụp đổ gần đây của các ngân hàng thân thiện với tiền điện tử như Silvergate Capital, Signature và Silicon Valley chỉ là một trong nhiều vấn đề mà ngành này phải đối mặt.

Ngày 10/3, giá bitcoin (BTC) đã lần đầu xuống dưới 20,000 USD kể từ tháng 1, tuy nhiên đợt giảm giá gần đây của BTC không làm giảm hy vọng của các công ty về triển vọng của tiền số.

Thị trường tiền điện tử đã hồi phục gần đây. Giá BTC được giao dịch ở mức trên 27.000USD, cho dù con số này vẫn thấp hơn 60% so với mức cao kỷ lúc vào tháng 11 năm 2021 là 68.990USD/BTC.

“Tuy tài sản số là khá mới nhưng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có những kiến thức và kinh nghiệm trong thị trường, khi thị trường trở nên hấp dẫn hơn, sự quan tâm đến tiên số có thể sẽ gia tăng”, - Deng chia sẻ với CNBC.