Hướng tới 1010 năm Thăng Long - Hà Nội: Chắt lọc tinh hoa, vươn xa hội nhập

PGS.TS Phạm Quang Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có nhiều Thủ đô trên thế giới có tuổi đời và bề dày văn hóa như Hà Nội. Có những quốc gia hùng mạnh cũng chỉ mới có tuổi đời bằng độ một phần ba TP của chúng ta.

1. Không hiểu sao vào thời khắc chuyển mùa này, một câu thơ được viết ra từ hơn 50 năm trước của một nhà thơ thường có thơ Xuân mỗi độ Xuân về cứ vang lên trong tôi: “Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/Trông Bắc, trông Nam trông cả địa cầu”.
Trong giờ phút chuyển giao của đất trời này, nhìn lên bầu trời rực rỡ pháo hoa, ngắm những gương mặt rạng rỡ chờ phút Giao thừa, sao cái tên Thăng Long lại gợi trong tôi nhiều suy nghĩ đến vậy? Điều gì đã khiến cha ông ta liên tục chọn vùng địa linh nhân kiệt này làm thủ đô của đất nước hơn một nghìn năm? Và vì sao trong suốt dặm dài lịch sử ấy, Thăng Long - Hà Nội đã luôn được coi như ngọn nguồn thiêng liêng mà bất cứ con dân nước Việt nào dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ về? Nỗi niềm ấy lớn đến nỗi vị tướng - nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ chưa một lần đặt chân đến Thăng Long nhưng những ngày sống và đánh giặc ở miền Đông, nỗi nhớ Bắc, nhớ Thăng Long thiêng liêng vẫn khiến nhà thơ viết ra những câu thơ bất hủ: “Từ thủa mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
Bằng một nhãn quan vượt trước thời đại, Đức Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La và nhân có điềm lành Rồng Vàng xuất hiện đã đặt tên mới cho Thủ đô Đại Việt là Thăng Long. Đây không chỉ là một tên gọi mà nó còn gắn với một khát vọng lớn: Khát vọng phát triển, khát vọng bay lên trong những vận hội mới, khát vọng khẳng định vị thế dân tộc. Lấy tư duy của thời hiện đại ra mà suy xét thì câu chuyện Rồng Vàng - điềm lành, xuất hiện vào dịp trọng đại này cũng chỉ là một phương thức của nghệ thuật tuyên truyền.
Nhưng, mục đích lại là rất thật, rất văn hóa mà nếu làm tốt điều này sẽ nhân lên sức mạnh của cộng đồng, dân tộc. Nó là một biểu hiện sự đồng thuận của cộng đồng trên thuận đạo trời, dưới hợp lòng dân. Người xưa đã biết vận dụng mọi khả năng để nhân lên sức mạnh của cộng đồng nhằm giải quyết những việc lớn của đất nước. Và điều đó cũng là kế sách để mưu nghiệp lớn muôn đời.
Nhiều người đã nói về quyết định dời đô mang ý nghĩa bước ngoặt của một tinh thần khai phóng, từ ngõ hẹp ra biển lớn, chấp nhận sóng gió thử thách để mình lớn mạnh lên. Khởi nguồn và đích đến của quyết định sáng suốt này đều từ văn hóa.
2. Không phải ngẫu nhiên mà giữa bao nhiêu bề bộn công cuộc dựng nước buổi đầu, nhà Lý đã xây Văn Miếu, lập Quốc Tử Giám ở Thăng Long để đào tạo hiền tài cho quốc gia. Mở trường dạy học, đào tạo hiền tài là cái gốc của bất kỳ một triều đại nào nhưng xây dựng nền móng trên tinh thần nào, đặt ra lộ trình và thực hiện nó ra sao lại là một công việc khác bởi sự thành bại của những việc lớn này còn tùy thuộc vào tài năng của người cầm trịch.
Phi trí bất hưng là một tổng kết ngắn gọn nhưng lại đầy đủ, bao quát và sâu sắc về vai trò của văn hóa (chứ không chỉ bó hẹp trong giáo dục như có người đã nghĩ) trong nghiệp dựng nước. Trí tuệ là rường cột của văn hóa, mở đường cho một sự nghiệp dù nhìn vào một cá nhân, một cộng đồng hay một dân tộc. Không chỉ bây giờ nhìn vào tấm bia có dòng chữ của Thân Nhân Trung hiền tài là nguyên khí quốc gia chúng ta mới thấm hết được ý nghĩa của tổng kết này. Hiền tài không chỉ là tri thức mà còn là cốt cách, bản lĩnh, là đỉnh cao của phát triển tư duy ở những người có năng lực tác động đến đường hướng phát triển của một đất nước. Nguyên khí thịnh hay không gắn liền với tầm vóc, vị thế của đất nước trong đánh giá của nhân loại.
Nhìn vào lịch sử thấy các triều đại rất có ý thức sử dụng hiền tài để phát triển đất nước. Từ những buổi đầu dựng nước, triều Lý và các triều đại kế tiếp, đã không nề hà chuyện học hỏi và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại, cụ thể là tinh hoa văn hóa Phật giáo, Nho giáo, bản địa hóa nó thành một trong những nội lực của dân tộc góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây nền độc lập trên tòa Nhân dân, mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước.
3. Có người nói rằng thử thách khốc liệt nhất đối với con người là những lúc phải đối mặt với cái chết. Và sự lựa chọn của mỗi cá nhân lúc đó thể hiện bản lĩnh và nhân cách của họ. Thế nên mới có chuyện không ít người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, chết chưa phải là hết nếu như cái chết của họ vẫn có ích cho người đang sống.
Thử thách khốc liệt nhất với vận mệnh một đất nước là vào thời khắc quyết định giữ được độc lập, tự do hay là rơi vào địa vị nô lệ những người lãnh đạo đã lựa chọn con đường vì độc lập, tự do cho đất nước như là giải pháp duy nhất. Đó cũng là lựa chọn thấm đẫm tinh thần nhân văn và tiến bộ của văn hóa, là sự lựa chọn văn hóa.
Nhìn lại lịch sử nước nhà không ít những thử thách như vậy đã diễn ra. Câu nói bất hủ của các tôn thất nhà Trần trước họa xâm lăng nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết xin hãy chém đầu tôi đi đã hay Đầu tôi chưa rơi khỏi cổ, xin bệ hạ đừng lo. Đó là tinh hoa của lòng yêu nước, là sự minh triết của văn hóa giữ nước ở những người nắm trong tay vận mệnh đất nước, trước sự an nguy của xã tắc.
Văn hóa giữ nước của ông cha ta đã trở thành điểm tựa vững chắc để trên dưới đồng lòng, tạo nên sức mạnh giữ yên bờ cõi suốt bao đời mà nói như một nhà sử học thì phải đâu đất hiểm, cốt mình đức cao. Dù có cả địa lợi lẫn thiên thời nhưng không có nhân hòa, không được lòng dân thì dù có binh nhiều, tướng lắm, không thể chế nào có thể đứng vững trước họa xâm lăng của kẻ thù. Đó là bài học văn hóa từ lịch sử tồn vong của các quốc gia trên thế giới.
Nhìn lại lịch sử trong gần nửa thế kỷ nay, chúng ta lại càng thấy sức mạnh văn hóa đã nâng cao tầm vóc dân tộc trong những giờ phút sinh tử với kẻ thù. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh và chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quý hơn độc lập, tự do là những tư tưởng lớn của thời đại, là ý chí và ước nguyện của cả dân tộc. Tư tưởng ấy thấm sâu vào mỗi người, trở thành một thái độ lựa chọn và ý thức trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc.
Một mùa Xuân mới đang đến. Mùa Xuân khiến lòng người rạo rực, khiến người ta mơ đến những ước mơ bay cao, vươn xa. Cơ hội đang đến với mọi người. Mọi cánh cửa tiến vào tương lai đang mở rộng cho tất cả. Đất nước sang trang, nhân loại đang ngày càng mở rộng cánh cửa hợp tác, cùng hội nhập và phát triển. Thời gian không chờ đợi riêng ai.
Trước những vận hội và thử thách lại cần đến những tri thức minh triết, dũng cảm và bản lĩnh của văn hóa thời khắc nhận đường. Hi vọng rằng, những tinh hoa trong văn hóa giữ nước của dân tộc và hội tụ tiêu biểu cho những tinh hóa ấy chính ở mảnh đất đã bước vào 1010 năm tuổi: Thăng Long - Hà Nội, sẽ là bệ phóng giúp cho đất nước sánh bước cùng nhân loại trong kỷ nguyên mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần