Huyện Đan Phượng: Gỡ rối chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật lao động và chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được các chuyên gia, nhà quản lý giải đáp chi tiết.

Sáng 14/6 Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH)” với sự tham gia của gần 300 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.

Gần 300 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng tham gia buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về chính sách lao động, BHXH.
Gần 300 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng tham gia buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về chính sách lao động, BHXH.

Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động có Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng; luật sư Đặng Văn Thành - Đoàn Luật sư TP Hà Nội; Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu.

Nhiều vướng mắc về bảo hiểm xã hội

Thực tế thời gian qua, các chế độ, chính sách thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi; điển hình như việc tăng lương cơ bản với một số đối tượng sẽ được thực hiện từ 1/7 tới đây. Hoặc lĩnh vực BHXH thời gian qua phát sinh nhiều bất cập, khiến cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung. Những sự thay đổi đó, nếu người lao động không cập nhật kịp thời có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền, lợi ích chính đáng.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy khẳng định, những chính sách mới liên quan tiền lương, BHXH, an toàn vệ sinh lao động… là những nhóm vấn đề quan trọng nhất mà người sử dụng lao động và người lao động quan tâm. Những vấn đề này liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, tinh thần của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và sự phát triển của cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại buổi đối thoại.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại buổi đối thoại.

Buổi đối thoại đã nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở về chính sách BHXH. Chị Lê Thùy Dương – công nhân Công ty CP Môi trường Tân Hội hỏi: “Công ty tôi có một lao động mới tham gia BHXH bắt buộc được 7 tháng nhưng không may bị đột quỵ vừa qua đời. Xin hỏi thân nhân của lao động này có được hưởng chế độ gì từ BHXH hay không?”

Trả lời câu hỏi này, Trưởng phòng Truyền thông BHXH TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết, đối với trường hợp người lao động mới tham gia BHXH được 7 tháng nhưng không may mất vì đột quỵ thì chỉ được hưởng chế độ tuất 1 lần, tối thiểu 3 tháng lương bình quân. Với chế độ mai táng phí không được nhận do người lao động chưa đủ 1 năm đóng BHXH.”

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - Công ty CP Ngôi sao châu Á thì cho biết, tại công ty chị gần đây một số lao động tự kiểm tra sổ BHXH thì phát hiện hiện tại vẫn đang sử dụng bìa cũ, trước năm 2016. Vì không hiểu biết nên chưa cấp lại mẫu mới, cán bộ hướng dẫn khi người lao động nghỉ hẳn thì mới chốt sổ và đổi sổ mới. “Tuy nhiên, người lao động vẫn muốn được đổi sổ mới, không biết có ảnh hưởng gì không? Ngoài ra, tại đơn vị trước, người lao động bị thiếu thời gian tham gia bảo hiểm thì xử lý thế nào?” – chị Hà đặt câu hỏi.

Chị Lê Thùy Dương - Công ty Môi trường Tân Hội) đặt câu hỏi.
Chị Lê Thùy Dương - Công ty Môi trường Tân Hội) đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, bà Dương Thị Minh Châu cho biết, việc quy định đồng bộ sổ BHXH đã có từ trước, việc này rất đơn giản. Do vậy, công ty cần phối hợp với BHXH huyện để kê khai số lao động cần đổi để sửa, đồng bộ luôn; các cập nhật mới này sẽ được đồng bộ và hiển thị trên VssID.

Còn về việc người lao động thiếu thời gian tham gia BHXH tại đơn vị cũ, thì việc thiếu có 2 lý do: Phía BHXH đang chốt, hiển thị thiếu hoặc đơn vị cũ đang chốt thiếu. Do vậy, người lao động phải làm việc với BHXH huyện để xem nguyên nhân từ đâu, nếu do đơn vị cũ chốt thiếu, người lao động phải quay về đơn vị cũ để kiểm tra lại.

Chị Vũ Thị Bảo, Công ty Thực phẩm Richy hiện đang làm trong một doanh nghiệp tư nhân có 80 lao động, tất cả 80 lao động đều ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầy đủ BHXH, BHYT và BHTN. Tuy nhiên, tập thể người lao động vẫn yêu cầu doanh nghiệp hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. “Doanh nghiệp tư nhân cho rằng người lao động đã có thẻ bảo hiểm y tế thì tự đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Vậy, doanh nghiệp có đúng hay không và trong trường hợp này tập thể người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?” – chị Bảo thắc mắc.

Về vấn đề này, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho rằng, đây là thắc mắc hoàn toàn chính xác của người lao động. Việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đã được quy định trong Luật BHXH 2015, trong đó có quy định, mỗi năm người sử dụng lao động phải thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động 1 lần/năm.

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc cho cán bộ Công đoàn cơ sở, người lao động.
Các chuyên gia giải đáp thắc mắc cho cán bộ Công đoàn cơ sở, người lao động.

Còn đối với với người khuyết tật, người lao động cao tuổi… làm việc trong môi trường độc hại thì mỗi năm người sử dụng lao động phải thực hiện khám sức khỏe cho người lao động tối thiểu 2 lần/năm. “Việc khám sức khỏe định kỳ không liên quan đến việc dùng thẻ BHYT, người sử dụng lao động đã hiểu sai” – ông Tạ Văn Dưỡng nói.

Bảo đảm quyền lợi cho người bị tai nạn lao động

Cùng với chế độ bảo hiểm lao động, các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động cũng được nhiều CNVCLĐ quan tâm, gửi câu hỏi tới các chuyên gia, nhà quản lý. Giải đáp băn khoăn của nhiều đơn vị về thành lập Phòng An toàn vệ sinh lao động, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, theo Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, trong điều kiện lao động bình thường, công ty phải thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động với điều kiện từ 1.000 lao động trở lên.

Còn đối với việc bố trí cán bộ an toàn vệ sinh lao động trong môi trường làm việc bình thường thì doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập Ban an toàn, trên 300 lao động trở lên thì thì phải cử cán bộ chuyên trách, dưới 300 lao động thì cử cán bộ an toàn.

Chị Đặng Thị Huệ, Trường Mầm non Thọ Xuân hỏi: “Cháu tôi bị tai nạn lao động, hiện tại cháu bị liệt toàn thân, mất khả năng sinh hoạt, phải nhờ sự chăm sóc của mẹ. Vậy xin hỏi trong trường hợp này, bên doanh nghiệp phải chịu những trách nhiệm gì với cháu và cháu phải làm giấy tờ thủ tục gì để được hưởng quyền lợi khi không còn khả năng làm việc?”

Chị Đặng Thị Huệ, Trường Mầm non Thọ Xuân đặt câu hỏi.
Chị Đặng Thị Huệ, Trường Mầm non Thọ Xuân đặt câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Thành giải đáp, khi có tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động. Đồng thời phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành hồ sơ gửi lên cơ quan có thẩm quyền để người tai nạn lao động được hưởng các chế độ chính sách.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, Công ty Môi trường Tân Hội, hỏi: “Một công nhân trên đường đi làm đến công ty không may bị tai nạn, lúc đó chỉ có công an xã đến giải quyết. Công nhân có báo đến công ty, sau đó nộp lại giấy tờ cho công ty nhưng công ty không công nhận là tai nạn lao động? Xin hỏi công ty làm như vậy đúng hay sai?

Luật sư Đặng Văn Thành giải đáp, có thể xác định người lao động bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy tặng quà cho người lao động trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Như vậy, trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Như vậy, trường hợp công ty không công nhận tai nạn lao động là không chính xác.

Buổi đối thoại đã nhận được trên 30 câu hỏi của CNVCLĐ liên quan đến các chế độ, chính sách. Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy cho biết, thông qua buổi đối thoại giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.