Huyện Đan Phượng: Tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngày 31/8, các cơ quan, đơn vị của huyện Đan Phượng và 16/16 xã, thị trấn đã đồng loạt tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy, chủ động phòng dịch.

Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 gắn với cuộc thi “Giữ gìn tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện.

Đồng loạt ra quân

Tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, trong tuần qua, trên địa bàn huyện ghi nhận 39 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung tại các xã: Tân Lập (13 ca); Thọ Xuân (5 ca); Đồng Tháp (5 ca); Tân Hội (4 ca); Hồng Hà (3 ca); Đan Phượng (3 ca); Thượng Mỗ (2 ca); Thọ An (2 ca); Song Phượng (1 ca) và thị trấn Phùng (1 ca).

Trong tuần, huyện cũng ghi nhận 4 ổ dịch mới tại các xã: Thọ Xuân (2 ổ dịch); Đồng Tháp (1 ổ dịch) và Hồng Hà (1 ổ dịch). Như vậy, lũy kế từ 1/1/2023 đến nay, huyện Đan Phượng có 20 ổ dịch sốt xuất huyết tại các xã Tân Lập, Đồng Tháp, Thọ Xuân, Hồng Hà, Đan Phượng, Hạ Mỗ, Tân Hội, Thượng Mỗ, Song Phượng, thị trấn Phùng.

Hiện tại, trên địa bàn còn 5 ổ dịch đang hoạt động tại các xã: Thọ Xuân (2 ổ dịch); Tân Lập (1 ổ dịch); Đồng Tháp (1 ổ dịch); Hồng Hà (1 ổ dịch); có 15 ổ dịch đã kết thúc.

Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời tiết thuận lợi cho việc phát sinh, phát triển của muỗi và bọ gậy, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và 16/16 xã, thị trấn đồng loạt tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải, diệt bọ gậy.

Xử lý các dụng cụ có chứa nước tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng.
Xử lý các dụng cụ có chứa nước tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng.

Ghi nhận của phóng viên ngày 31/8 cho thấy, công tác tổng vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết của huyện Đan Phượng đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân cùng tham gia, tạo thành phong trào rộng rãi và toàn diện.

Tại các địa phương, Đảng ủy các xã, thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả các khu vực có dịch, nơi có nguy cơ. Cùng với đó, dọn dẹp rác thải tại gia đình, đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa; xử lý các điểm nước tồn đọng, phát quang bụi rậm để thông thoáng môi trường sống.

Đồng thời, tại các gia đình thực hiện dọn vệ sinh, lật úp và thu gom các dụng cụ lắng nước như các loại chai nước đã qua sử dụng, chậu hoa, các thùng hỏng có chứa loăng quăng; phun thuốc diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao.

Diệt loăng quăng, bọ gậy tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng.
Diệt loăng quăng, bọ gậy tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng.

Huyện Đan Phượng cũng đã thành lập 16 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người để kiểm tra, đánh giá, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong chiến dịch tổng vệ sinh môi trường.

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Hoàng Minh Đức – Trưởng đoàn kiểm tra số 14 huyện Đan Phượng cho biết, qua kiểm tra, người dân tại các thôn xóm, khu dân cư tham gia rất tích cực vào công tác tổng vệ sinh môi trường. Qua đó vừa hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch sốt xuất huyết, vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

UBND huyện Đan Phượng cũng yêu cầu, sau chiến dịch, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tiếp tục duy trì tổng vệ sinh môi trường vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy hàng tuần theo Chỉ thị số 04 của UBND TP Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên – Trưởng đoàn kiểm tra số 9 huyện Đan Phượng cho biết, công tác thông tin truyên truyền về phòng chống dịch sốt xuất huyết và tổng vệ sinh môi trường được đẩy mạnh trên hệ thống Đài truyền thanh huyện, loa truyền thanh các xã, thị trấn.

Tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân.
Tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân.

Trong đó tập trung tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết Dengue; nhất là vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng cũng có công văn hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền về biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

Điểm nổi bật là các xã, thị trấn đã thành lập các nhóm Zalo của địa phương, thôn, xóm, cụm dân cư để chỉ đạo, điều hành, thông báo về tình hình dịch nhằm cập nhật kịp thời, đạt hiệu quả cao trong việc tuyên truyền đến từng người dân trong công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường.

Tiếp tục duy trì, không chủ quan với dịch bệnh                 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có 227 ca mắc sốt xuất huyết tại 16/16 xã, thị trấn, trong đó 187 ca nội địa và 40 ca ngoại lai. Số ca mắc tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022 nhưng không có ca tử vong (tháng 8/2022 huyện có có 57 ca mắc số xuất huyết, 1 ca tử vong).

Tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại xã Đan Phượng.
Tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại xã Đan Phượng.

Để chủ động điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, Bệnh viện đa khoa Đan Phượng đã chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng thu dung, điều trị trường hợp sốt xuất huyết; hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng đã bố trí 78 giường bệnh đảm bảo điều trị tại Khoa Truyền nhiễm trong điệu kiện dịch hiện nay. Nếu dịch bùng phát mạnh, số giường thực kê tại Bệnh viện có thể lên 100 giường bệnh.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, huyện Đan Phượng số ca mắc trong tuần (tuần 35) đứng thứ 16/30 quận, huyện có ca mắc sốt xuất huyết (tuần 34 đứng thứ 14/30 quận huyện).

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân che màn tại bể chứa nước sinh hoạt.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân che màn tại bể chứa nước sinh hoạt.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng cũng nhìn nhận, hạn chế trong phòng chống dịch sốt xuất huyết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số xã thời gian đầu chưa quyết liệt, vệ sinh môi trường chưa đạt hiệu quả cao, ổ dịch còn kéo dài, chỉ số BI ở mức cao như: Tân Lập, Đồng Tháp, Hồng Hà, Thọ Xuân.

Bên cạnh đó, một số xã chưa chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất tại chỗ. Phần lớn người dân còn trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành y tế mà chưa chú trọng đến việc loại bỏ và xử lý các ổ chứa lăng quăng/bọ gậy trong nhà, xung quanh nhà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, thời gian tới, huyện đề nghị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền lưu động và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống mạng xã hội Facebook, Zalo.

Tổng vệ sinh môi trường là hoạt động thiết thực nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 gắn với cuộc thi “Giữ gìn tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện.
Tổng vệ sinh môi trường là hoạt động thiết thực nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 gắn với cuộc thi “Giữ gìn tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, tăng cường tổng vệ sinh môi trường hàng tuần tại các thôn, cụm, ngõ, các hộ gia đình, tập trung triệt để xử lý ổ dịch mới phát sinh, nơi ở của các ca mắc mới. Thực hiện các biện pháp thả cá, mắc màn bể nước nhằm tăng cường hiệu quả việc phòng chống dịch sốt xuất huyết, diệt bọ gậy.

Kiên quyết chỉ đạo vệ sinh môi trường để chỉ số BI ở mức an toàn với biện pháp thông báo từng tuần chỉ số BI của các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đối với những nơi có nguy cơ cao. Đặc biệt huyện sẽ tái kiểm tra, giám sát lấy kết quả vệ sinh môi trường giảm chỉ số côn trùng BI để đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.