Huyện Đan Phượng: Ứng phó hiệu quả với thiên tai, úng ngập ngay từ giờ đầu

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 25/7, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng, Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Học viên là Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn; Bí thi Chi bộ các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt chia sẻ về các loại hình thiên tai; những kiến thức trong công tác phòng, chống, khắc phục sự cố thiên tai trong tình huống xảy ra lũ lụt, bão, lốc xoáy; hướng dẫn đánh giá các tiêu chí về đảm bảo yêu cầu chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng, toàn huyện có 6 tuyến đê chính từ đê cấp I đến đê cấp III, với tổng chiều dài 35,13km. Các tuyến đê đã được cứng hóa, cơ bản đảm bảo cao trình chống lũ thiết kế. Trong đó, tuyến đê hữu Hồng được nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chí đê kiểu mẫu.

Trên địa bàn có 14 xã, thị trấn giáp sông Hồng và sông Đáy thuộc vùng bụng chứa Vân Cốc và vùng ngập ngoài đê sông Hồng, gồm: Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu, Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, thị trấn Phùng. Đây là hệ thống đê phòng lũ rất quan trọng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trong huyện và vùng trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin về dự báo tình hình thiên tai năm 2023 và các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin về dự báo tình hình thiên tai năm 2023 và các biện pháp chủ động ứng phó với thiên tai.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 11,1km kè sông Hồng; 6 cống thoát nước qua đê gồm cống số 1, số 2 Đan Hoài, cống Bá Giang, cống Tiên Tân, cống Thượng Mỗ, cống Tây, cống Liên Hà. Huyện có 19 điếm canh đê, đều là điếm tiêu chuẩn, đảm bảo công tác trực tuần tra canh gác đê.

Về công trình thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện gồm 177,218km kênh tiêu, trong đó 28,011km đã được kiên cố hóa (11,2%), còn lại là kênh đất. Cống tiêu đầu mối có 30 cống, trong đó 9 cống đã được nâng cấp, cải tạo cơ bản đảm bảo năng lực tiêu thoát nước. Các cống còn lại được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, khẩu độ nhỏ hẹp, không đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước. 2 trạm bơm tiêu úng chính gồm trạm bơm Chùa Dậu, Thượng Mỗ hiện nay đang xuống cấp.

Năm 2023, dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, rét đậm, rét hại, bão mạnh, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn, gây ngập úng cục bộ; lũ lớn, lũ muộn.

“Huyện Đan Phượng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa to đến rất to, khả năng ngập úng ở một số vùng có địa hình trũng thấp, vùng có hệ thống kênh tiêu thoát nước chưa hoàn chỉnh và một số địa phương cuối hệ thống bị ảnh hưởng do đóng cống tiêu cầu Đìa. Những loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn huyện trong năm 2023 gồm mưa bão, giông sét, hạn hán, sương muối, rét đậm, rét hại, nắng nóng...” – ông Nguyễn Viết Đạt cho biết.

Trước tình hình đó, Huyện ủy Đan Phượng đã có  Chỉ thị số 22-CT/HU ngày 22/5/2023 về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, với quan điểm phòng, chống là chính. Đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm bốn tại chỗ “lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” và phương án ba sẵn sàng “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, lấy lực lượng xung kích tại địa phương làm nòng cốt.

Tại hội nghị, các đại biểu được tập huấn về công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai, việc thực hiện các nhiệm vụ trước, trong và sau thiên tai, ứng phó với thiên tai ngay từ giờ đầu…

Qua đó nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.