Huyện Đông Anh: Hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/4, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội bắt đầu chương trình giám sát việc thực hiện quy định pháp luật đối với trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm nhà trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội).

Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế 5 trường mầm non, nhóm lớp tư thục trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Theo báo cáo của huyện Đông Anh, trên địa bàn có 55 trường mầm non (36 trường công lập, 19 trường tư thục), 81 nhóm trẻ độc lập tư thục, với 949 nhóm, lớp, 30.267 trẻ. Với tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh, hàng năm, số trẻ đến trường tăng khoảng 800 đến 1.000 trẻ, đặc biệt là khu công nghiệp (KCN) số lượng trẻ vừa tăng nhanh vừa không ổn định.
 Đoàn kiểm tra khu đất dự án xây dựng Trường Mầm non Kim Chung A (Đông Anh - Hà Nội)
Tại buổi làm việc, huyện Đông Anh kiến nghị HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non, trong đó, cấp định mức cho trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập như trẻ học trong trường công lập để có cơ sở thu đúng quy định. Ngoài ra, đề nghị TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường mầm non, trung tâm văn hóa, trung tâm y tế để đảm bảo an sinh xã hội cho con em công nhân lao động trong các KCN. Ngoài ra, huyện cũng đề xuất sửa đổi Điều lệ trường mầm non tại điều 14 và Thông tư số 13/2015/TT-BGD&ĐT ngày 30/6/2015 về Quy chế và tổ chức hoạt động của trường mầm non tư thục, cho phép các nhóm trẻ tuyển sinh không quá 100 trẻ nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Theo đánh giá của đoàn giám sát, hệ thống trường công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, các nhóm trẻ ngoài công lập phát triển nhanh, nhiều nhóm vượt quá số trẻ theo quy định, thiết kế các phòng học chưa phù hợp cho trẻ, đồ dùng, đồ chơi của một số nhóm lớp còn hạn chế; việc chuyển nhượng trường mầm non đang diễn ra không đúng quy định. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của các nhóm trẻ tư thục chưa ổn định, thực đơn chưa đảm bảo, chế biến món ăn còn hạn chế, không đúng quy trình lưu thực phẩm.
Đoàn giám sát cũng nhận thấy, còn tình trạng giáo viên chưa có trình độ sư phạm mầm non ở một số trường ngoài công lập, nhóm lớp; số trẻ trong một lớp nhiều hơn quy định. Đặc biệt, Dự án Trường Mầm non Kim Chung A đã có quyết định đầu tư, có mặt bằng nhưng từ năm 2016 đến nay không thực hiện, đất để trống nên hiện người dân đang trồng rau.
Với số lượng công nhân đang lao động và sinh sống rất đông (63.000 công nhân), hầu hết đang trong độ tuổi có con nhỏ nên nhu cầu về trường mầm non là rất lớn, đòi hỏi những bức thiết đặt ra trong công tác quản lý, đoàn giám sát đã đề nghị huyện Đông Anh cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động giáo dục mầm non để đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa Xã hội Trần Thế Cương ghi nhận huyện Đông Anh đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, vì vậy, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, cấp phép thành lập các trường, các nhóm lớp đúng quy định. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý để đưa hoạt động mầm non vào nền nếp, đảm bảo quyền lợi cho trẻ.