Huyện Hoài Đức: Tặng quà các nạn nhân chất độc da cam và thân nhân

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức tổ chức hội nghị gặp mặt nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn, nhân kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2023).

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thông thông tin, để khắc phục hậu quả của chiến tranh hóa học, ngoài việc ban hành các chủ trương, chính sách, hằng năm Nhà nước Việt Nam đã chi những khoản kinh phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khoẻ cho các nạn nhân.

Triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái, chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Triển khai các dự án chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam. Hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam; mỗi năm chi hơn 50 triệu USD để trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân da cam...

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thông phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thông phát biểu tại hội nghị.

Sau khi Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 1998, đến năm 2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập, là một tổ chức xã hội, cầu nối giữa nạn nhân da cam với cộng đồng xã hội và cũng là thành viên của MTTQ Việt Nam.

Năm 2009, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức được thành lập, với 11 hội cơ sở, 583 hội viên. Toàn huyện có hơn 1.000 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam. Đã có 451 người được công nhận là nạn nhân da cam, đang được hưởng trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Trong đó có 287 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 164 nạn nhân da cam là thế hệ thứ hai, có 12 gia đình có từ 3 nạn nhân trở lên.

Các đại biểu dự hội nghị sáng 9/8.
Các đại biểu dự hội nghị sáng 9/8.

Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã tích cực tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân da cam. Nâng cao nhận thức trong Nhân dân, để mọi người hiểu sâu hơn về tác hại của chất độc da cam đối với môi trường và với sức khoẻ con người.

Việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam được chú trọng với nhiều hoạt động thiết thực như quyên góp hỗ trợ xây sửa nhà, tặng xe lăn, tặng bò, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe… Tính từ năm 2019 đến nay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã tiếp nhận, vận động, khám bệnh, hỗ trợ và tặng quà cho hơn 2.000 lượt người là nạn nhân da cam, tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Những việc làm của Hội đã giúp đỡ, động viên nạn nhân da cam và gia đình tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, để vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội Nguyễn Văn Dương phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội Nguyễn Văn Dương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội Nguyễn Văn Dương đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Hoài Đức tiếp tục tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng huyện, TP giải quyết hậu quả chất độc hóa học do chiến tranh.

Đồng thời tuyên truyền về chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam và vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội ủng hộ để có thêm nhiều hoạt động chăm lo thiết thực tới đời sống nạn nhân da cam...

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội và huyện Hoài Đức trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam và thân nhân.
Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội và huyện Hoài Đức trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam và thân nhân.

Nhân dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hà Nội và huyện Hoài Đức đã tặng quà cho 62 đối tượng là nạn nhân và mẹ, vợ của nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, mỗi suất quà trị giá hơn 500.000 đồng.